'Người không tuổi' Mai Hoàng Mỹ Trang và chuyện đào tạo tài năng31/10/2024 - 08:12:00 Tay vợt lừng danh của bóng bàn nữ TP.HCM vừa cùng đồng đội đoạt HCV ở giải các đội mạnh toàn quốc đang diễn ra tại Đồng Nai. Bộ sưu tập huy chương "vô đối" của Mai Hoàng Mỹ Trang vừa được bổ sung thêm và không ai còn muốn thống kê tay vợt có vẻ ngoài không giống một VĐV bóng bàn này sẽ dừng lại ở con số bao nhiêu, dù năm nay cô đã 35 tuổi.
Mới năm ngoái thôi, Mai Hoàng Mỹ Trang đã có chức vô địch quốc gia nội dung đơn nữ lần thứ 13. Tức là kể từ lần đầu đăng quang khi mới 18 tuổi đến nay, tay vợt TP.HCM đã chiến thắng đến 13 lần trong 17 năm qua. Chỉ riêng con số này đã khiến cô trở thành tượng đài của làng bóng bàn Việt Nam, chưa kể 5 lần liên tiếp vô địch đơn nữ Đại hội TDTT toàn quốc (4 năm tổ chức một lần) cùng vô số HCV ở các nội dung đồng đội, đôi…Trong khi đó, mỗi năm có đến 6 giải đấu khác nhau trong hệ thống thi đấu của bóng bàn Việt Nam và từ năm 15 tuổi đến nay, năm nào Mai Hoàng Mỹ Trang cũng chiến thắng ít nhất một nội dung ở ít nhất một giải đấu. Với bề ngoài có vẻ …thừa cân, cùng tuổi tác đã lên đến hàng "lão làng", nhưng chưa có tay vợt nữ nào hiện nay đạt đến tầm vóc về tài năng như Mai Hoàng Mỹ Trang. Điều này gần giống như trường hợp ở môn cầu lông nam, khi Nguyễn Tiến Minh vẫn có thể thi đấu đỉnh cao ở tuổi 37, mặc dù anh không còn là tay vợt số 1 quốc gia nữa. "Tre già thì măng mọc", đã và sẽ có những nhà vô địch mới, nhưng câu chuyện đang chú ý ở đây chính là tốc độ thay thế, hay đúng hơn, là quá trình chuyển giao thế hệ của thể thao Việt Nam (TTVN) đang ngày càng chậm hơn trước. Có thể lấy thêm các ví dụ ở bắn súng, điền kinh, bơi Hãy chú ý đến bóng bàn và cầu lông. Đây là những môn thể thao được xem phù hợp với tố chất người Việt, dễ tập luyện ở các đô thị đông dân, lại là môn thi đấu cá nhân nên cũng dễ tiếp cận với quần chúng. Thế nhưng, việc sản sinh ra các thế hệ VĐV giỏi liên tục lại đang gặp vấn đề. Trước khi Mai Hoàng Mỹ Trang tỏa sáng, bóng bàn nữ Việt Nam là bầu trời …ngập sao. Hết Nhan Vị Quân rồi đến Ngô Thu Thủy, chị em Mỹ Linh – Phương Linh, Nguyễn Mai Thy …Họ cạnh tranh và chia nhau các danh hiệu qua từng năm. Nhưng như đã thấy, bóng bàn nữ gần 20 năm qua nằm trong sự thống trị của Mai Hoàng Mỹ Trang, cho dù tay vợt này không có thành tích tốt ở đấu trường quốc tế và từng có lúc bị nhận định là khó trở thành số 1 Việt Nam. Mai Hoàng Mỹ Trang là con nhà nòi, chơi bóng bàn từ năm 6 tuổi tại CLB bóng bàn do gia đình sở hữu. Được rèn giũa từ bé với bố và cậu đều là những tài danh làng bóng nhựa, cùng đam mê "ở trong máu" nên phải chăng vì vậy mà Mai Hoàng Mỹ Trang trở thành hiện tượng đặc biệt của bóng bàn, mặc dù chính cô cũng thừa nhận là lối đánh và cách cầm vợt của mình "quá lạc hậu" so với thế giới hiện đại? Câu chuyện của Mai Hoàng Mỹ Trang nhắc chúng ta một điều quan trọng: Để có những VĐV tài năng vượt trội chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nói cách khác, cần có một hệ thống đào tạo đặc biệt và lộ trình phát triển đặc thù mới có thể thay đổi đẳng cấp VĐV Việt Nam. Những môn như bóng bàn, cầu lông …đều rất khó để vươn tầm do Trung Quốc hay nhiều nước châu Á hoặc Đông Nam Á quá mạnh. Ấy thế mà ngay tại nội bộ của chúng ta, vẫn không thế liên lục có các thế hệ tài năng nối tiếp nhau để cạnh tranh nâng cao trình độ, thì gần như không có cửa để vươn ra thế giới, kể cả tại những môn mà chúng ta có sự thuận lợi để tiếp cận. Theo Thể Thao và Văn Hóa
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
|