'Số hóa' trường học03/12/2024 - 08:51:00 Nhiều dự án, giải pháp chuyển đổi số của học sinh Đà Nẵng được tạo điều kiện hiện thực hóa trong trường học để góp phần “số hóa” môi trường học đường, hỗ trợ giáo viên và học sinh trong học tập.
Xây nền tảng học tập trên không gian số Mong muốn gieo tình yêu môn Văn với các bạn trẻ, nhóm học viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 đã xây dựng website Tôi học Văn nhằm tạo môi trường học tập “số hóa” lôi cuốn bạn bè cùng tham gia. Xuất phát từ thực tế đầu vào của học viên ở Trung tâm không cao so với các trường THPT khác trên địa bàn, hoàn cảnh của nhiều bạn khá đặc biệt, khó tiếp cận với các tài liệu, nhóm đã quyết định xây dựng website học tập phù hợp với năng lực của người học. Trước mắt, website được xây dựng dựa trên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11.
Theo em Lê Thị Diệu (thành viên nhóm dự án), mô hình website rất dễ dàng tiếp cận, qua đó, các bạn có thể tìm kiếm các tài liệu nâng cao liên quan đến chương trình Ngữ văn lớp 11, các bài viết tham khảo hay của học sinh và giáo viên các trường THPT, các slide bài giảng của giáo viên.... Bên cạnh đó, website cũng là sân chơi để kết nối học viên có tình yêu văn chương, chia sẻ những sáng tác đặc sắc đến đông đảo mọi người. “Chúng em tận dụng nền tảng Google Sites thân thiện và dễ sử dụng, có thể thêm văn bản, hình ảnh, tệp… mà không cần mã hóa để những người không chuyên về công nghệ cũng dễ dàng thao tác. Qua đó, học sinh, học viên có thể tạo dự án, bài thuyết trình; giáo viên và trường học có thể tạo trang lớp học, tải tài nguyên dạy học”, Diệu nói. Ngay sau khi hoàn thiện, website đã được Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 hỗ trợ để triển khai trong thực tế và thu hút hàng trăm lượt truy cập, tương tác, đăng tải tài liệu. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng cam kết hỗ trợ với vai trò đồng hành, tư vấn để nhóm phát triển nội dung và mở rộng phạm vi cho chương trình Ngữ văn lớp 10 và 12. “Chúng em mong muốn góp phần “số hóa” công tác dạy và học văn để các bạn có thêm niềm yêu thích đối với môn học này. Qua đó, thầy và trò có không gian để giao lưu, chia sẻ niềm đam mê với văn chương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”, Diệu cho hay. Ấp ủ ý tưởng tạo ra ứng dụng hỗ trợ học tập hiệu quả cho học sinh THPT, nhóm tác giả Nguyễn Gia Hân, Trần Khả Hân, Đàm Lê Bảo Ngọc và Mai Ngọc Phong (Trưởng THPT Liên Chiểu) đã mày mò phát triển Ứng dụng hỗ trợ học tập thông minh Edumate. Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây, ứng dụng hỗ trợ người học ôn tập kiến thức, thực hiện các bài kiểm tra đánh giá và tạo diễn đàn để tương tác, thảo luận. Ươm mầm hạt nhân chuyển đổi số Đó chỉ là 2 trong số 27 dự án “số hóa” trong trường học được học sinh các trường THPT trên địa bàn lên ý tưởng và tự triển khai thực hiện, ứng dụng vào thực tiễn trong dự án Thanh thiếu nhi Đà Nẵng với chuyển đổi số trong giáo dục năm 2024. Dự án nằm trong chương trình hợp tác giữa Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF Việt Nam) phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng triển khai trong năm học 2024 - 2025 nhằm tìm kiếm và hỗ trợ những ý tưởng có tính thực tiễn cao trong lĩnh vực giáo dục. Theo chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, quá trình từ lúc hình thành ý tưởng và cho ra sản phẩm mẫu kéo dài khoảng một tháng, nhiều giải pháp, sáng kiến đã được các trường tạo điều kiện để ứng dụng vào thực tiễn và cho thấy hiệu quả tích cực. “Các dự án nổi bật như: ứng dụng quản lý thời khóa biểu điện tử, chatbot hỗ trợ giải bài tập, các ứng dụng học tập thông minh… đều có tính thực tiễn rất cao. Những ý tưởng này không chỉ nâng cao chất lượng học tập mà còn khuyến khích học sinh tích cực tham gia quá trình học, tạo ra môi trường học tập mới mẻ, sáng tạo, khuyến khích học sinh cùng tham gia”, chị Thảo đánh giá. Theo Báo Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|