“Vua hồ tiêu” và những thương vụ ở thế ngàn cân09/11/2024 - 09:28:00 Được mệnh danh là "vua hồ tiêu" với thành tích kinh doanh đáng nể, nhưng ông Phan Minh Thông cũng từng bị gọi là "kẻ điên" hay "thích chơi trội".
Chinh phục thị trường hơn 100 quốc gia"Phúc Sinh Corporation không chỉ là đơn vị xuất khẩu tiêu và cà phê lớn nhất Việt Nam mà còn là một nhà buôn lớn của thế giới", bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nhận xét. Theo bà Hằng, nhờ tài năng và tâm huyết, Chủ tịch Phúc Sinh Corporation Phan Minh Thông đã tạo nên những sản phẩm hàng đầu về cà phê và hồ tiêu, từ đó góp phần ghi tên tuổi của Việt Nam trên thị trường cà phê và hồ tiêu trên trường quốc tế. Vị chủ tịch này cũng được biết đến là người khai phá tiềm năng cà phê Arabica vùng Mộc Châu, Sơn La khi xây dựng nhà máy chế biến sâu với năng suất 20.000 tấn cà phê tươi/năm. Đặc biệt, Phúc Sinh hiện là nhà xuất khẩu tiêu số 1 Việt Nam - chiếm 8% thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. Riêng hai sản phẩm hồ tiêu sấy lạnh và sốt tiêu xanh, Phúc Sinh chiếm khoảng 40% thị phần toàn cầu. Ngoài ra, mỗi năm Phúc Sinh xuất khẩu từ 60.000-70.000 tấn cà phê nguyên liệu, nằm trong Top 4 các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam. Các sản phẩm của Phúc Sinh Group hiện đã có mặt tại khoảng 102 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nga, Đức… Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Corporation chia sẻ với PV Báo Giao thông: "Khác với phần lớn các doanh nghiệp, Phúc Sinh xác định thành công ở quốc tế mới quay lại chinh phục sân nhà. Đến nay, Phúc Sinh đã xây dựng 7 nhà máy chế biến đặt tại các vùng cà phê trọng điểm từ miền Bắc đến miền Nam, xây dựng vị thế riêng với những dòng sản phẩm cà phê sạch, nguyên chất". Chiến lược tìm kiếm nhà cung cấp tốt nhấtÔng Thông tự hào cho biết: "Từ một công ty với vỏn vẹn 4 lao động, làm việc trong căn phòng 25m2, giờ chúng tôi đã có 650 người và doanh thu lên đến 320 triệu USD/năm". Theo ông Thông, cách đây hơn 20 năm, ông đã thấy các công ty ở Hà Lan hay Singapore có thể mua và bán hàng khắp thế giới. Trong khi từ Việt Nam qua Indonesia chỉ có 2 giờ, từ Brazil/Colombia qua châu Âu không xa, nên tự đặt câu hỏi "tại sao mình không mua hàng ở đó để bán đến nước khác?". Vậy nên, ông đã thông qua những lần đi hội chợ, giao thương xây dựng tệp đối tác - khách hàng tốt khắp thế giới. Chẳng hạn, có một đồng nghiệp ở Singapore liên hệ với Phúc Sinh để bán một lô hàng, thì việc đầu tiên là Phúc Sinh sẽ thuê người môi giới ở Singapore đến kiểm tra chất lượng. Sau khi chắc chắn về số lượng và chất lượng, Phúc Sinh sẽ gọi điện đến đối tác cần và đợi họ trả giá. Sau khi lấy giá mà các khách hàng tiềm năng đưa ra, Phúc Sinh mới quay lại đàm phán với người bán Singapore. Nhờ cách làm này, Phúc Sinh có thể không cần đi mua hàng ở tận vườn hoặc nông hộ tại Brazil hay Indonesia, mà chỉ cần mua qua các nhà buôn lớn, thậm chí chỉ tham gia vào một giai đoạn trong chuỗi cung ứng từ nông trại với người tiêu dùng đầu cuối. "Khác với các nhà buôn khác, quan điểm của Phúc Sinh là nhà cung cấp cũng quan trọng không kém khách hàng, nên đi tới quốc gia nào, doanh nghiệp cũng cố gắng tìm kiếm nhà cung cấp tốt nhất. Đây cũng là một yếu tố quan trọng khiến Phúc Sinh có thể trở thành nhà buôn lớn của thế giới như hiện tại", ông Thông nói. Đường đến thành công không dễ dàngTuy nhiên, để có được thành công hôm nay, đường đi của Phúc Sinh cũng nhiều gập ghềnh, thậm chí có người còn gọi ông Thông là "kẻ điên", "thích chơi trội". Ông Thông kể, không lâu sau khi thành lập công ty, ông có nhận một đơn hàng xuất khẩu tiêu trị giá 50.000 USD. Ông đã phải xoay tiền chỗ này trả chỗ khác để gom hàng, nhưng vẫn thiếu. Giá tiêu nhích lên mỗi giờ, nếu không kịp mua và giao hàng thì chẳng mấy chốc lỗ nặng. Trong thế ngàn cân treo sợi tóc, ông tìm thông tin của đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM. Thuyết phục vay vốn qua điện thoại bất thành, ông xộc thẳng vào văn phòng vị này để trình bày tường tận. Một thương vụ khác, cuối năm 2007, ông tham gia hội chợ thực phẩm, đồ uống lớn nhất thế giới tại Đức và nhận yêu cầu chào giá 50 container hạt tiêu từ Mike Tyson, một vị khách người Bulgaria. Vài tuần sau, công ty chỉ gom được 37 container vì đơn hàng không đúng chính vụ thu hoạch. Đối tác đồng ý giá 6.300 USD một tấn, tạm ứng 10% và thanh toán phần còn lại nhờ thu qua một ngân hàng có tiếng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Thông vay lãi suất đến 22% để trả tiền hàng cho nhà cung cấp và hăm hở cho vụ làm ăn lớn nhất từ khi theo nghề buôn nông sản. Khi hàng trên đường đến cảng Varna (Bulgaria), phía ngân hàng thông báo không tìm được thông tin như vị khách cung cấp. Đối tác vẫn không ngừng yêu cầu cung cấp số vận đơn và thay đổi thông tin thanh toán. "Bộ chứng từ đã chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ, nếu rơi vào tay khách thì có thể mất trắng 3,6 triệu USD. Giữa thời điểm khủng hoảng toàn cầu, hàng loạt công ty phá sản theo hiệu ứng domino khiến tôi nghĩ về kịch bản xấu nhất. Hàng cập cảng, chứng từ được trả vì ngân hàng nhận thấy dấu hiệu lừa đảo. Tình thế xoay chuyển liên tục buộc tôi đứng trước một quyết định cân não có nên ủy quyền cho một hãng hậu cần ở châu Âu để xử lý nhanh chóng việc này không? Tôi chọn có, nhưng cũng mất hơn nửa tháng để giải quyết vì người mua và luật sư không ngừng gây áp lực. Nếu không tỉnh táo tôi có thể đã phá sản", chủ tịch Phúc Sinh nhớ lại. Theo Báo Giao Thông
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|