Báo Quân đội nhân dân bình chọn 10 dấu ấn nổi bật của Việt Nam năm 2024, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19-7-2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Năm 2024, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của nước ta đã được kiện toàn. Ngày 3-8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu đồng chí Tô Lâm giữ cương vị Tổng Bí thư. Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội bầu đồng chí Lương Cường làm Chủ tịch nước.

2. Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị

Đầu tháng 12-2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiến hành tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, khởi động cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Với khoảng 2,5 triệu cán bộ, công chức, viên chức, hơn 3,5 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp, 70% ngân sách đang được chi cho hoạt động thường xuyên, chỉ còn 30% dành cho đầu tư phát triển. Mục tiêu của việc sắp xếp là nhằm tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng cán bộ, hướng tới bộ máy hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 

10 dấu ấn nổi bật của Việt Nam năm 2024
Thi công đường dây 500kV mạch 3. Ảnh: TUẤN HUY 

3. Kỷ niệm trọng thể các ngày lễ lớn của đất nước

Trong năm 2024, Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024), 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024) và Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân được Đảng, Nhà nước tổ chức trang trọng. Chuỗi các hoạt động trong các lễ kỷ niệm trên thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân trong nước và các hãng thông tấn quốc tế. Qua đó khơi dậy khí thế hào hùng, niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước.

Sáng 20-12, tại Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024), Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự, đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm và trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Quân đội nhân dân Việt Nam.

4. Tăng trưởng GDP khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra

Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, những thiệt hại do thiên tai, trong đó có siêu bão Yagi (bão số 3) và mưa lũ, kinh tế-xã hội đất nước đã có bước phát triển tích cực, hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng GDP khoảng 7%, vượt xa so với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm là tăng trưởng 6-6,5%.

Trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD; công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng 8,4%... Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư công nghệ cao, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn. Theo báo cáo của Brand Finance năm 2024, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023.

5. Kỳ tích đường dây 500kV mạch 3 

Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên) với tổng chiều dài khoảng 519km, có quy mô 1.177 cột; trong đó, cột cao nhất là 145m, cột nặng nhất tới 415 tấn, thi công trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đi qua nhiều địa hình hiểm trở. Song với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, sáng tạo trong điều hành của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của nhân dân, chỉ sau hơn 6 tháng thi công với khối lượng công việc khổng lồ, đường dây 500kV mạch 3 đã được hoàn thành.

6. Tăng cường vị thế quốc tế

Năm 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp, Malaysia; nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Brazil; thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mông Cổ, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE)... Nếu như Malaysia là quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thì Pháp là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đặc biệt, việc ký kết với Pháp cũng đánh dấu Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4/5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp.

7. Thông qua nhiều luật, chủ trương quan trọng

Năm 2024, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương đầu tư quan trọng như: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam với tổng mức đầu tư 1.713.548 tỷ đồng và khởi động lại việc đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035... Trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao dự kiến sử dụng hình thức đầu tư công, đáp ứng nhu cầu gia tăng và góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc-Nam. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được kỳ vọng đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa, xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

8. Triển khai đồng bộ nghị quyết của Đảng về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh

Thực hiện chủ đề năm 2024: “Năm cơ bản hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh”, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai đồng bộ các giải pháp, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã triển khai kế hoạch tổng thể, phương pháp tiến hành chặt chẽ, khoa học, điều chỉnh tăng, giảm tổ chức, quân số phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, có cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng. Toàn quân điều chỉnh, ban hành biểu tổ chức biên chế gần 1.100 tổ chức, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng lộ trình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh trong tình hình mới.

9. Việt Nam có thêm hai di sản được UNESCO ghi danh

Ngày 8-5-2024, tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra ở thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" của Việt Nam chính thức được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO. Ngày 4-12-2024 (theo giờ địa phương), tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 diễn ra tại Asunción, Cộng hòa Paraguay, UNESCO đã ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Việc hai di sản được UNESCO ghi danh trong một năm thêm minh chứng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. 

10. Khai trương mạng 5G, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

Ngày 15-10-2024, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông 5G. Triển khai 5G là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Dịch vụ 5G khi đi vào hoạt động sẽ không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số mà còn tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội thông qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo môi trường để phát triển các ứng dụng số. Mạng 5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025.