Áp thuế khí thải để chống ô nhiễm không khí11/12/2024 - 15:25:00 Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có tới 7 triệu người tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí.
Tại Việt Nam, nguồn gây ô nhiễm không khí (ONKK) chủ yếu là từ sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải. Các hoạt động giao thông đường bộ sản sinh hơn 13,4 triệu tấn CO2/năm, trong đó xe máy xả khí thải nhiều nhất, chủ yếu các chất ô nhiễm như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5. Các thành phố lớn “khó thở” PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Viện trưởng Viện Phát triển năng lực lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ONKK và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (APAC-TPHCM) nhận định: Mỗi địa phương, vùng miền có hình thái thời tiết cũng như cơ cấu kinh tế - xã hội khác nhau, dẫn đến hình thức cũng như nguồn phát thải khác nhau. Tuy nhiên, ở tất cả các địa phương được kiểm kê, nguồn phát thải từ giao thông đóng vai trò lớn, nhất là ở các địa phương có nền công nghiệp hóa lớn như Hà Nội, TPHCM. Cụ thể, tại Hà Nội, với khoảng 8,5 triệu dân (thống kê năm 2022), hơn 6 triệu xe máy và 690.000 ô tô, khoảng 2.000 nhà máy sản xuất, các hoạt động giao thông đường bộ phát thải ra các khí như NOx (chiếm 87% lượng NOx trong không khí), CO (92%), SO2 (57%), NMVOC (86%), CH4 (96%) và PM2.5 (74%). TPHCM có hơn 9 triệu dân với gần 7,4 triệu xe máy, 400.000 ô tô và 2.780 cơ sở công nghiệp phát thải. Trong đó giao thông chủ yếu phát thải các chất ô nhiễm như NO2, CO (chiếm 97,8% chất này trong không khí), SO2 (37,7%), NMVOC (42,9%), bụi mịn PM2.5 (18%). PGS.TS Hồ Quốc Bằng phân tích thêm, Hà Nội và TPHCM có những đặc điểm ô nhiễm khác nhau. Tại Hà Nội, vào mùa đông, hiện tượng lớp đệm nhiệt xảy ra khi nhiệt độ thấp khiến khí thải mắc kẹt gần mặt đất, làm không khí trở nên đặc quánh. Ngược lại, ở TPHCM có nhiệt độ cao hơn và ánh nắng mạnh giúp khí thải khuếch tán tốt hơn, nhưng lượng phát thải từ giao thông và công nghiệp vẫn rất lớn. Trong khi đó tại Đồng Nai hay Bình Dương, nơi tập trung hàng loạt những khu công nghiệp với cả nghìn nhà máy hoạt động ngày đêm, đã tạo nên một loại ô nhiễm khác biệt. Còn ở những vùng nông thôn, việc đốt rơm rạ vô tình góp phần khiến bầu không khí thêm u ám. Giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp là hai thủ phạm chính gây ra ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Tại tọa đàm “ONKK và giao thông: Cơ hội, thách thức cho Việt Nam và thế giới” diễn ra mới đây, GS Yafang Cheng đến từ Viện Nghiên cứu Hóa học Max Planck (Đức) đã đưa cảnh báo về hệ quả, tác động của ONKK. Theo đó, giao thông vận tải là yếu tố chính gây nên ONKK, nhưng chưa phải là duy nhất. Tại Việt Nam, bên cạnh các hoạt động vận tải, công nghiệp, thì việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng là “thủ phạm” lớn. Cần áp dụng thuế khí thải GS Yafang Cheng nhận định, trong những năm tới, tình trạng khí quyển này có thể trầm trọng hơn gấp 3-4 lần, do ảnh hưởng từ các yếu tố như bức xạ nhiệt theo mùa, biến đổi khí hậu, lượng carbon đen trong không khí... hiện tượng ô nhiễm này có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường, trông giống như sương mù, và tần suất xuất hiện vào mùa đông nhiều hơn mùa hè. Tại Việt Nam, hiện tượng ô nhiễm này vẫn được quen gọi là mù quang hóa. Điều này cũng lý giải vì sao Hà Nội thường xuất hiện mù quang hoá nhiều hơn TPHCM. Theo GS Yafang Cheng, một trong những nguồn phát thải các hợp chất ôxit nitơ (NOx) và carbon đen (muội than- NH3) nhiều nhất là ngành giao thông. Vì thế, kiểm soát được nguồn phát thải này sẽ giúp kiểm soát đáng kể tình trạng ONKK đô thị. GS Cheng dẫn chứng từ cách Trung Quốc kiểm soát ONKK nghiêm trọng tại Bắc Kinh; trong nhiều biện pháp đồng bộ, chính quyền nước này triển khai xây dựng đường sắt đô thị và điện hóa các phương tiện giao thông. Theo các chuyên gia, để giảm phát thải các nguồn gây ô nhiễm cần nguồn lực đầu tư để cải thiện công nghệ; cởi mở sẵn sàng tiếp cận các công nghệ mới có thể tạo ra các nguồn năng lượng sạch và xanh có giá cả phù hợp để mọi người có thể chấp nhận chi trả. Để dần đạt được các mục tiêu giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, các quốc gia đang phát triển sẽ cần thời gian và sự hỗ trợ từ các nền kinh tế phát triển. Các chuyên gia cũng đánh giá cao vai trò của xe điện; tích hợp sử dụng xe điện với phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, với Việt Nam, nguồn gây ONKK chính là phương tiện giao thông, thì cần áp dụng giải pháp đã được nhiều nước thực hiện, đó là áp dụng thuế khí thải, thuế ô nhiễm. Hiện nay ở Việt Nam chưa áp dụng các công cụ này. Trong thời gian tới, nếu muốn có cơ chế bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân tránh tác động bởi ONKK sẽ cần phải có thêm những biện pháp mạnh hơn, trong đó có việc nghiên cứu đánh thuế ô nhiễm. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|