Trong số 10.000 lao động mà doanh nghiệp cần tuyển trong quý I/2023 có khoảng 35% là tuyển mới để mở rộng sản xuất, số còn lại là bù đắp vào lực lượng lao động không trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Lao động mà doanh nghiệp cần tuyển có khoảng 80% là lao động phổ thông nhưng phải có kinh nghiệm, tay nghề để nhanh chóng ổn định sản xuất. Các ngành nghề cần tuyển dụng chủ yếu là may mặc, giày da, điện tử, cơ khí, ngũ kim và một số ngành dịch vụ.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động. Cụ thể, Trung tâm tổ chức các phiên giao dịch việc làm, định kỳ 2 phiên/tháng, sàn giao dịch việc làm trực tuyến; đẩy mạnh hoạt động tư vấn – giới thiệu việc làm mới cho lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp; liên kết tuyển dụng lao động với các tỉnh có nguồn lao động để đưa họ về Bình Dương làm việc.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, các chế độ phúc lợi cho người lao động nhằm giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đồng thời để thu hút nguồn lao động đang cần tuyển.
Đến sáng 28/1 - tức mùng 7 Tết có hơn 37.000 lao động của 255 doanh nghiệp ở Bình Dương hoạt động trở lại đã có mặt làm việc sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Dương, số lao động trở lại làm việc chưa cao do nhiều doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất từ ngày 30/1- tức mùng 9 Tết. Ngoài ra, vào cuối quý IV/2022, do khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên một số doanh nghiệp ngoài việc bố trí thời gian nghỉ phép năm liền với nghỉ Tết, nghỉ chế độ thai sản còn thỏa thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương để kéo dài thời gian nghỉ Tết./.