Ngày 6-10, Bộ Công Thương phát đi thông tin để làm rõ dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, được công bố lấy ý kiến hồi cuối tháng 9.
Nếu được ban hành, văn bản mới này sẽ thay thế Quyết định 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Giải thích về đề xuất được điều chỉnh giá điện khi có biến động các yếu tố đầu vào dẫn tới giá điện tính toán tăng từ 1%-5% thay vì mức 3% hiện hành, Bộ Công Thương cho biết tiêu chí mới giúp giá điện phản ánh kịp thời hơn các biến động của chi phí sản xuất kinh doanh điện. Qua đó, khắc phục tình trạng để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, làm tích lũy các yếu tố chi phí dẫn tới phải tăng giá quá nhiều trong một lần điều chỉnh.
Về ý kiến lo ngại việc trao cho EVN quyền chủ động hơn trong điều chỉnh giá điện khiến doanh nghiệp có tính độc quyền tự nhiên này chỉ tăng chứ không giảm, Bộ Công Thương khẳng định: Dự thảo đã quy định rõ cơ chế chung cả điều chỉnh tăng, điều chỉnh giảm phù hợp với biến động đầu vào, chứ không chỉ cho tình huống tăng giá.
Bộ Công Thương đang đưa ra lấy ý kiến góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Ảnh minh hoạ |
Trước đó, trao đổi với PLO, các chuyên gia đánh giá việc quản lý giá theo Quy định 24 hiện hành dù khắc phục được nguy cơ tăng, giảm giá điện mức cao, nhưng số lần điều chỉnh lại ít, nên thời gian ổn định giá dài hơn.
Còn theo đề xuất mới của Bộ Công Thương thì tần suất điều chỉnh giá điện sẽ xảy ra thường xuyên hơn, theo kịp với biến động thị trường nhưng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của giá điện - một chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế.
“Phương án nào nào cũng có cái lợi và bất cập. Tùy tình hình và tính toán giữa 1% và 3% thì nên lấy mức nào cho phù hợp để bắt kịp những biến động của thị trường, vừa đảm bảo ổn định của giá cả” - các chuyên gia nêu ý kiến.
Bộ Công Thương cũng cho biết, theo Quy định 24, giá điện được xem xét điều chỉnh với thời gian tối thiểu là 6 tháng 1 lần. Nay dự thảo kéo dài chu kỳ tính toán lên 1 lần/năm. Theo đó, trước ngày 1-8 hằng năm, EVN có trách nhiệm tính toán giá bán lẻ điện bình quân trong năm làm căn cứ xem xét chỉnh giá điện, áp dụng từ ngày 1-10 sau đó.
Phương pháp tính toán, hồ sơ xây dựng phương án giá điện hàng năm được lập trên cơ sở báo cáo tài chính, báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN đã được kiểm toán, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề năm tính giá, các thông số đầu vào tính toán giá điện được cập nhật thực tế thực hiện của 6 tháng đầu năm và dự kiến 6 tháng còn lại của năm tính giá.
Bộ Công Thương cho biết, phương pháp, công thức lập giá bán điện bình quân được thiết kế, sửa đổi phù hợp với cấp độ thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cơ chế nhiều người mua - nhiều người bán.
Ngoài ra, theo dự thảo, việc xem xét, thẩm định và kiểm tra giám sát việc điều chỉnh giá có thêm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia.