PV: Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội mới đây cho thấy gam màu sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội những tháng đầu năm và dự báo cho cả năm 2022. Ông nhận định như thế nào về điều này?
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, có thể nói là chưa bao giờ thế giới gặp phải nhiều yếu tố bất định, bất thường, bất ngờ, bất ổn như thời gian qua, nhưng chúng ta đã có những chính sách ứng phó linh hoạt và kịp thời, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các chính sách an sinh cho người dân.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân |
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Chúng ta phải đối mặt với những áp lực căng thẳng cả trong và ngoài nước. Trên thế giới, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất của nhiều nền kinh tế lớn. Ở trong nước, chúng ta đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao. Giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, rồi tình hình thiên tai bão lũ ngày càng bất thường.
Có thể nói, công tác điều hành của Chính phủ các nước gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc, năng động, ứng phó với tình hình. Nhờ nỗ lực đó, nên chúng ta đã có những kết quả rất đáng trân trọng.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (trong khi mục tiêu chúng ta đặt ra là 6 - 6,5%).
Đáng mừng là thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Tôi đánh giá cao ngành Tài chính trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, đã đảm bảo được nguồn thu ngân sách, thậm chí dự kiến cả năm sẽ tăng thu NSNN để có nguồn lực thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất và tăng trưởng trở lại. |
PV: Như ông vừa đề cập, thu NSNN tăng cao sẽ góp phần quan trọng để chi cho các nhiệm vụ trong dự toán cũng như hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Ông đánh giá ra sao về nỗ lực này của ngành Tài chính?
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Theo báo cáo của Chính phủ, thực hiện 9 tháng thu NSNN đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, bằng 94% dự toán. Đánh giá cả năm thu NSNN ước đạt khoảng 1.614,1 nghìn tỷ đồng, vượt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng (tăng 14,3%) so dự toán. Đáng chú ý, thu ngân sách trung ương ước vượt 70 - 80 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách địa phương ước vượt 120 - 130 nghìn tỷ đồng.
Phải khẳng định, đó là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và của ngành Tài chính. Kết quả đó rất đáng trân trọng, bởi vì có tăng thu mới có được nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân. Cũng như chúng ta có nguồn lực để quyết định cắt giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu, ổn định giá cả và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số lạm phát ở mức thấp.
PV: Ông có thể cho một vài nhận xét, đánh giá về công tác điều hành của Bộ Tài chính trong thời gian qua, nhất là một số vấn đề như các giải pháp lành mạnh hóa thị trường trái phiếu, về xây dựng dự toán thu NSNN…?
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Đúng là thời gian qua có rất nhiều khó khăn, thử thách đối với đất nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng. Đặc biệt, thị trường trái phiếu có những diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành, triển khai kịp thời các giải pháp để ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư và để lành mạnh hóa thị trường. Bộ Tài chính đã điều hành rất tốt trong thời gian qua.
Ngoài ra, về công tác thu NSNN, Bộ Tài chính đã triển khai một loạt các giải pháp nhằm tránh thất thu thuế, thu đúng, thu đủ về ngân sách. Không phải chúng ta tận thu. Bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp, thì cần phải triển khai các biện pháp nhằm tăng thu ngân sách, có như vậy mới có nguồn để chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh cũng như các nhiệm vụ đã có trong dự toán.
PV: Mức tăng trưởng kinh tế trong năm nay được cho là khá ấn tượng. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Năm 2022 dự kiến tăng trưởng có thể đạt trên 8%. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt con số này trên nền so sánh với 2 năm 2020 và 2021 tăng trưởng dưới tiềm năng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Song, những nỗ lực của Việt Nam đã được thế giới ca ngợi trong bối cảnh có rất nhiều yếu tố bất định, xung đột chính trị, lạm phát, chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ của Mỹ làm biến động thị trường tiền tệ, ngoại hối trên thị trường thế giới, nhưng chúng ta vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Đó là cơ sở để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là Moody's và Standard & Poor's đều đánh giá Việt Nam có triển vọng "tích cực" sau một thời gian chứng kiến sự cải thiện môi trường vĩ mô và ổn định tài chính của Việt Nam. Đây cũng là thể hiện sự toàn diện của kinh tế - xã hội Việt Nam. Các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành đúng lúc, đúng thời điểm. Các quyết sách đó là vô cùng quan trọng, vừa phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ tính mạng của nhân dân nhưng đồng thời từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu các nghị quyết đó không ban hành kịp thời sẽ khó có được kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, các chính sách về ngoại giao vắc-xin là quan trọng nhất để hạn chế dịch bệnh, từ đó phục hồi và phát triển.
Có thể khẳng định, các quyết sách kịp thời và hành động quyết liệt của chúng ta đã mang lại những kết quả của ngày hôm nay.
Tuy nhiên, thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, đòi hỏi chúng ta tiếp tục nắm bắt tình hình, phát huy hơn nữa những thành quả đạt được, dự báo tốt và tiếp cận với thị trường quốc tế để có giải pháp ứng phó phù hợp.
PV: Xin cảm ơn ông!