Bóng đá Việt thời khủng hoảng kinh tế18/12/2023 - 08:34:00 Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nếu đội bóng nào ở V-League không đủ tài lực trụ lại, lãnh đạo các địa phương không cần phải cứu giúp. Cứ để mọi thứ thuận theo tự nhiên vì điều đó có lợi cho sự phát triển bền vững...
HLV câu lạc bộ bóng đá Khánh Hòa, ông Võ Đình Tân, nộp đơn xin nghỉ vào ngày 12-12 là thông tin được người trong cuộc dự báo từ lâu. Nhưng, chỉ một ngày sau, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản khẩn gởi Tổng Công ty Khánh Việt nhờ tài trợ cho CLB Khánh Hòa 20 tỉ đồng mỗi mùa bóng và bắt đầu từ năm 2024.
Cầu thủ dọa đình công Công văn của UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nêu rõ Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa đã tiếp nhận quản lý CLB Khánh Hòa từ mùa bóng 2023 với mức tài trợ 35 tỉ đồng. Cần nhắc lại ngay trước mùa V-League 2023-2024, khi nhà tài trợ cũ rút lui, những tưởng CLB Khánh Hòa sẽ không thể tham dự giải khi không có kinh phí cho mùa giải mới, đó là chưa kể khoản nợ của nhà tài trợ cũ để lại mà chưa tất toán. Rất may vào phút chót, với nỗ lực của UBND tỉnh Khánh Hòa, CLB Khánh Hòa vẫn có thể thi đấu khi có nhà tài trợ mới là Công ty Yến Sào Khánh Hòa. Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa còn lập Quỹ Phát triển bóng đá Khánh Hòa để có thêm kinh phí hỗ trợ đội bóng. Sóng gió vẫn dồn dập ập vào đội bóng phố biển khi các cầu thủ Khánh Hòa dọa sẽ đình công, không tập luyện, thậm chí không thi đấu ở trận gặp B.Bình Dương trên sân Nha Trang ở lượt thứ 5 V-League 2023-2024 hôm 10-12 nếu như không được nhận tiền. Thế là Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa phải vào cuộc và làm việc với nhà tài trợ Yến Sào Khánh Hòa. Kết quả nhà tài trợ mới đã trả thay nhà tài trợ cũ tiền lương tháng 9, tiền lương tháng 11 và tiền giày - găng tay trước trận gặp B.Bình Dương. Bên cạnh đó, CLB Khánh Hòa cũng hứa thanh toán 50% tiền lót tay cho các cầu thủ trước Tết Nguyên đán 2024. Không chỉ là vấn nạn nhà tài trợ cũ làm khổ nhà tài trợ mới mà có một số nhà tài trợ chưa chuyển tiền vào Quỹ Phát triển bóng đá Khánh Hòa, từ đó dẫn đến hệ lụy tiền phải trả cho các cầu thủ bị chậm trễ. Bóng đá Khánh Hòa thiếu sự căn cơ và bền vững, gây thiệt thòi cho HLV và cầu thủ. Ảnh: QUỐC AN Nợ tiền HLV, cầu thủ Không chỉ mệt mỏi chạy kinh phí để vận hành đội bóng đang thi đấu ở V-League 2023-2024 dù mới thi đấu 5/26 lượt đấu, CLB Khánh Hòa đã và đang đối mặt với những lá đơn của 6 thành viên cũ của đội gởi đến VFF và nhờ VFF giải quyết tranh chấp giữa họ với Công ty Cổ phần Khánh Hòa Sport - công ty chủ quản CLB Khánh Hòa - liên quan đến vấn đề nợ lương, phí ký hợp đồng lao động. Đây là 6 thành viên của CLB Khánh Hòa ở V-League 2023 và họ đã rời đội trước khi mùa bóng mới V-League 2023-2024 khởi tranh. Sự việc này chắc chắn sẽ khiến cho lãnh đạo CLB Khánh Hòa không thể im lặng khi VFF đã có văn bản đề nghị lãnh đạo CLB Khánh Hòa giải trình. Còn hiện tại, việc kêu gọi Tổng Công ty Khánh Việt tài trợ thêm 20 tỉ đồng trong năm 2024 cũng sẽ được đưa vào Quỹ Phát triển bóng đá Khánh Hòa để giải quyết tiền lót tay cho cầu thủ cũng như những khoản chi khác. Mà đâu chỉ có Khánh Hòa, không ít đội bóng của các tỉnh, thành khác hiện nay cũng đang vướng vào tình trạng nợ tiền HLV, cầu thủ. Gần đây nhất là CLB bóng đá TP HCM nợ lương, thưởng, phí lót tay của ban huấn luyện, các cầu thủ từ mùa trước và mùa này. Sự việc nhanh chóng được giải quyết khá ổn thỏa khi các thành viên đồng ý để CLB trả theo lộ trình. Mới đây, CLB Thanh Hóa cũng được "gọi tên" khi HLV Popov lên tiếng chuyện các cầu thủ bị nợ lương, thưởng dù là đội bóng có thành tích rất tốt mùa rồi. Sắp tới còn đội nào nữa không? Tái cấu trúc Những cố gắng của lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa nhằm cứu đội bóng tỉnh nhà cho đến nay chưa hẳn là giải pháp tốt nhất, bởi thực tế đây chỉ là "chạy ăn từng bữa". Đó là chưa nói các doanh nghiệp cũng nằm trong cơn bão khó khăn chung của nền kinh tế nước nhà. Có một thực tế bao năm qua là số lượng các đội V-League nhiều hơn ở Giải Hạng nhất. Trên thế giới, hẳn chỉ có bóng đá Việt Nam có cấu trúc như thế này vì tất cả các nền bóng đá chuyên nghiệp, số lượng đội bóng hạng dưới luôn nhiều hơn hạng trên. Nói dễ hiểu hơn, chân đế phải luôn rộng thì nền bóng đá mới vững chắc. Điều này lý giải vì sao hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chưa bền vững. Những người trong cuộc cho rằng "trong rủi có may". Do vậy, trong giai đoạn khó khăn này, nếu đội bóng nào ở V-League quá khó khăn thì lãnh đạo các địa phương cũng không cần phải ra tay cứu giúp. Cứ để mọi thứ thuận tự nhiên, không đủ lực thì xuống thi đấu ở hạng dưới. VFF và VPF cần sớm tổ chức những cuộc hội thảo để đưa ra những tiêu chí, điều kiện cụ thể đối với các đội bóng đủ điều kiện thi đấu ở từng hạng trong hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Và trên hết, VFF cũng như VPF cần đưa ra kế hoạch cùng lộ trình cụ thể để thay đổi con số bất hợp lý 14 đội ở V-League và 11 đội ở Giải Hạng nhất thành chuẩn chung của bóng đá toàn cầu: số lượng đội Hạng nhất phải nhiều hơn V-League. Bóng đá Việt Nam cần lắm tái cấu trúc. Thà một lần đau để phát triển còn hơn chưa bền vững năm này qua năm khác! Bóng đá Việt Nam không thể đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế. Đã gọi là khó khăn thì ai cũng khó khăn. Vì vậy càng không thể chấp nhận một số lãnh đạo đội bóng thiếu nợ người làm công là HLV, cầu thủ nhưng không đưa ra lộ trình trả nợ đàng hoàng Theo NLĐ
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|