Cần quy hoạch tổng thể trước “một rừng” quy hoạch
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đến nay một quy hoạch tổng thể tích hợp các quy hoạch thì đúng là chưa thực hiện được. Theo Bộ trưởng, Luật Quy hoạch để quản lý quy hoạch là cần thiết trước 1 rừng quy hoạch, cần quản lý và tích hợp để đảm bảo mối quan hệ hữu cơ, hài hòa và đồng bộ, chứ không phải chỉ hướng đến quy hoạch tích hợp. Mỗi ngành, mỗi cấp cần có quy hoạch của ngành mình, đảm bảo tính sáng tạo, nhưng có trước có sau.
Tiếp thu những ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, bất cập đầu tiên trong công tác quy hoạch là rất khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra một quy hoạch cấp tỉnh, cấp quốc gia có khả năng tích hợp. Bất cập thứ hai là quy hoạch cần dựa trên cơ sở thực tiễn, chiến lược kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng thông qua.
Quy hoạch sử dụng đất đai và một số quy hoạch khác đều là những quy hoạch tích hợp. Theo Bộ trưởng, việc đưa tất cả những yêu cầu, mục tiêu phát triển cùng xuất hiện trong một quy hoạch là một điều rất khó khăn trên thực tế.
“Hiện nay chúng ta đã có Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch. Nghị quyết này đã tháo gỡ những khó khăn về mặt kỹ thuật, để giải quyết những vấn đề mới. Thời gian tới, cần thực hiện lập đồng thời các quy hoạch, tuy nhiên cần phối hợp có hiệu quả hơn nữa giữa các cấp, các ngành trong việc lập quy hoạch” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đã hoàn thành một khối lượng lớn các loại quy hoạch xây dựng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về xây dựng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Hệ thống quy hoạch theo pháp luật về chuyên ngành được thực hiện ổn định, không vướng mắc. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, hệ thống quy hoạch theo pháp luật về chuyên ngành được thực hiện ổn định, không vướng mắc. Đến tháng 5/2022: có 870 đô thị thì tỷ lệ quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch chi tiết đạt 40%; quy hoạch huyện là 35%, xã xây dựng nông thôn mới đạt gần 100%.
Giải trình một số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực ngành Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch năm 2017, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng.
Mặc dù còn những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng hệ thống quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành về xây dựng và đô thị, sau khi Luật Quy hoạch được ban hành có hiệu lực, đến nay đang được triển khai thực hiện ổn định, về cơ bản không có vướng mắc và ngày càng được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hơn. Đến nay đã hoàn thành một khối lượng lớn các loại quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Về quy hoạch xây dựng các khu chức năng cơ bản, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, hiện nay các khu kinh tế ven biển, các khu kinh tế cửa khẩu hay các khu chức năng khác như các khu du lịch, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu giáo dục đào tạo sau khi được thành lập đều được phê duyệt quy hoạch xây dựng theo quy định.
“Có thể nói là kể từ sau khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực, các loại quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành xây dựng và đô thị đã và vẫn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, là cơ sở đầu tiên cho việc lọc các dự án đầu tư, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội ở các vùng, các địa phương” - người đứng đầu ngành Xây dựng nói.
Về ý kiến quy hoạch chung đô thị lập theo Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh lập cho các thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch năm 2017 có sự trùng lắp, chồng chéo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng không gian, các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
“Bỏ quy hoạch sản phẩm trong nông nghiệp là một bước tiến lớn”
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ, thị trường, không thể có quy hoạch phủ hết toàn bộ, mà cần có hai phần: phần cứng do Nhà nước can thiệp, và phần còn lại là dung lượng do thị trường điều chỉnh, qua đó có không gian linh hoạt thích ứng với sự thay đổi.
Các quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm và có ý kiến cho rằng, liệu việc bỏ quy hoạch sản phẩm trong nông nghiệp đã dẫn đến việc thừa thiếu trong nông nghiệp? Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, bỏ quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là một bước tiến lớn. Trong điều kiện thị trường ngày càng mở và bất định, đặc biệt với những diễn biến khó lường như trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua, khó có được đầy đủ dữ liệu để đưa ra quyết định quy hoạch, hoặc đề ra các chỉ số, chỉ tiêu một cách cứng nhắc.
Vị “tư lệnh” ngành Nông nghiệp đề nghị cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm ra thị trường; cần khẩn trương quy hoạch từng vùng sinh thái để định hình được một chiến lược đầu tư hỗ trợ tạo ra một hệ sinh thái của ngành hàng.
Bộ Công thương hoàn thành 4/5 quy hoạch quốc gia
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đồng tình việc thực hiện chính sách pháp luật từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực đúng là chưa thực sự như kỳ vọng.
Đối với ngành Công thương, đến nay đã hoàn thành 4/5 quy hoạch quốc gia, đó là: quy hoạch điện, năng lượng, khoáng sản, dầu khí. Hiện chỉ có quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử là chưa thực hiện được, đang xin phép lùi thời hạn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình cần thiết phải ban hành Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Trong đó: “Cần đánh giá thấu đáo, rà soát điều chỉnh bộ quy hoạch, nguyên tắc tiêu chí điều chỉnh cục bộ, bảo đảm không thực hiện tràn lan, phá vỡ tính liên kết”.
Đẩy nhanh và đảm bảo chất lượng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - cơ quan tham mưu Chính phủ trình Luật Quy hoạch đã có phát biểu cuối phiên thảo luận của Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, là cơ hội để bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia, nhằm đạt mục tiêu khát vọng: đến năm 2045 đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
“Công tác quy hoạch như người thông minh mở đường, đi trước và dẫn dắt. Luật được ban hành là cố gắng rất lớn của Quốc hội khi thể chế hóa các chủ trương của Đảng, điều chỉnh các loại quy hoạch, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, coi trọng công tác thanh kiểm tra. Luật này đã xem xét thông qua 3 kỳ họp, là luật rất khó và phức tạp. Luật đã thiết lập hệ thống quy hoạch quốc gia, 111 quy hoạch thay thế hơn 3 nghìn quy hoạch, cắt giảm đến 97%. Số lượng các quy hoạch cần phải giảm lên đến hơn 6.400 quy hoạch…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra các con số minh chứng cho nỗ lực của Chính phủ thời gian qua.
Theo Bộ trưởng, việc đẩy nhanh và đảm bảo chất lượng các quy hoạch là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Đến nay đã hoàn thành phê duyệt toàn bộ các nhiệm vụ lập quy hoạch của 110 quy hoạch (trừ quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử); đã hình thành khung định hướng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu, những tồn tại vướng mắc trong triển khai là rất lớn, vì là vấn đề lớn, mới, khó và phức tạp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, báo cáo giám sát của Quốc hội hết sức công phu, toàn diện, khách quan, sát thực tiễn, từ đó chỉ ra nhiều kết quả, hạn chế, nguyên nhân và có giải pháp khắc phục. Thời gian tới, cần thiết phải ban hành nghị quyết để giải quyết các tồn tại, hạn chế, trong đó có giải pháp trước mắt và giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ nhận trách nhiệm tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để thể chế hóa, đảm bảo thống nhất việc thực hiện quy hoạch; đảm bảo chất lượng quy hoạch phải là ưu tiên hàng đầu, phát huy lợi thế tiềm năng của quốc gia./.