Sáng 29/3, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu là  chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, so với dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới.

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: TH) 

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng quy định nguyên tắc về đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; rà soát và chỉnh lý, bổ sung thêm một số chính sách theo ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan; gộp điều 5 và điều 6, quy định chung chính sách về điện ảnh và công nghiệp điện ảnh trong điều 5 của dự thảo Luật; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước và hiệu quả, linh hoạt trong triển khai thực hiện.

Thảo luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh cần đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, trong dự thảo Luật trình lần này khi xem tất cả các điều khoản vẫn chưa thấy thể hiện rõ nét sự đột phá trong phát triển công nghiệp điện ảnh.

“Chưa thấy sự gắn kết và mối tương quan giữa điện ảnh và phát triển kinh tế, nếu quy định chung chung như hiện nay thì rất khó để đi vào thực tiễn cuộc sống, vì vậy đề nghị ban soạn thảo quan tâm đầu tư thêm để áp dụng trong thực tiễn…”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (đoàn Hòa Bình) cho rằng, dự thảo Luật hiện nay chủ yếu tập trung vào các quy định quản lý hành chính; chủ yếu đưa các quy định về quyền, nghĩa vụ và các điều kiện phải thực hiện.

Theo đại biểu, Ban soạn thảo cần quan tâm thêm về vấn đề này để các chính sách được áp dụng trong thực tiễn, nhất là cần làm rõ ngành công nghiệp điện ảnh liên kết với ngành công nghiệp khác trong phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các quy định theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động điện ảnh là rất quan trọng.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: “Tinh thần chung là việc bổ sung các chính sách mới, đặc thù là cần thiết để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy ngành điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phát triển. Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh là rất quan trọng…”.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu để tạo nguồn lực tốt hơn cho phát triển điện ảnh; về chính sách đột phá, chính sách ưu đãi, mối liên quan điện ảnh với phát triển kinh tế - xã hội; quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và nhiệm vụ chi đối với ngân sách nhà nước, Quỹ tư nhân về phát triển điện ảnh…/.

 
Vy Anh