Cầu thủ bóng chuyền Việt Nam và chuyện chuyển nhượng04/10/2024 - 09:46:00 Bóng chuyền Việt Nam có cầu thủ nam, nữ đã và đang ra nước ngoài thi đấu. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam ban hành Quy chế chuyển nhượng cầu thủ từ năm 2010. Nếu có những nhu cầu phù hợp, cầu thủ đủ điều kiện được chuyển nhượng theo các ký kết giữa từng đội bóng với nhau.
Phụ công Trà Giang (số 23) ở tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: AVC Cơ chế chuyên nghiệp cần sự chuyển nhượng Hiện tại, chúng ta thấy rõ cầu thủ bóng chuyền Việt Nam (gồm nam, nữ) tìm cơ hội ra nước ngoài thi đấu hoặc tìm đến các đội bóng phù hợp để cống hiến chuyên môn và có thu nhập theo nhu cầu. Điều này không sai khi môn bóng chuyền chuyển đến chuyên nghiệp. Chúng ta thấy ví dụ cụ thể là bóng chuyền Thái Lan rất cởi mở trong việc chuyển nhượng cầu thủ. Điểm mấu chốt mà người Thái tạo điều kiện cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu là thêm cơ hội học hỏi, tích lũy chuyên môn. Cầu thủ Việt Nam cũng như vậy. Nhà quản lý luôn đề cao vấn đề về sự trung thành của một cầu thủ đối với câu lạc bộ của mình. Nhưng rõ ràng, nếu có cơ hội và trong một nền thể thao chuyên nghiệp phát triển, không ai được kìm hãm họ. Không ít trường hợp cầu thủ (chỉ tính riêng tại Việt Nam) đã thay đổi câu lạc bộ của mình qua từng năm. Điều này phản ánh, cầu thủ bóng chuyền là người có sức hút để đội bóng tìm đến thuê mượn. Bóng chuyền Việt Nam giống nhiều môn thể thao khác là phần lớn đội bóng thuộc về đơn vị chủ quản, vẫn tồn tại từ nguồn kinh phí được cấp từ Nhà nước theo quy định. Khi các đội bóng được độc lập về tài chính, do các đơn vị tự chủ quyết định thì vận động viên hay huấn luyện viên có quyền tự quyết lựa chọn của mình trong việc tìm đến các đội bóng đảm bảo được các yếu tố chuyên môn, kể cả lương thưởng. Mỗi người mỗi ý chí Trường hợp cụ thể nhất là huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt. Ông Kiệt đã trải qua nhiều đội bóng (khi làm công tác huấn luyện). Nhưng chắc chắn, vị huấn luyện viên này đề cao vấn đề chuyên nghiệp ở thể thao. Có cung ắt có cầu. Đồng thời, các đội bóng phải đánh giá được giá trị nhân lực mà họ tuyển dụng vì thế huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt có quyền lựa chọn của mình đến với nơi phù hợp. Hiện tại, ông Kiệt đang là huấn luyện viên trưởng đội nữ Ngân hàng Công Thương (Vietinbank). Cầu thủ Nguyễn Thị Thanh Thúy là một trong những người được thi đấu ở nước ngoài nhiều thời gian nhất. Nhưng rõ ràng, nếu không được đơn vị chủ quản là đội nữ VTV Bình Điền Long An tạo điều kiện thì Thanh Thúy rất khó có cơ hội đến Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ phát triển chuyên môn. Bóng chuyền Việt Nam có những cầu thủ được mời ra nước ngoài thi đấu nhưng họ lại đang giữ vị trí chủ chốt ở nhiều đội bóng. Từng đội bóng phải giải quyết bài toán thành tích khi thi đấu trong nước nên rất ít đội gật đầu để cầu thủ chủ chốt của mình ra nước ngoài. Cầu thủ duy nhất được giới bóng chuyền đánh giá cao ở tính chuyên nghiệp là Đinh Thị Trà Giang. Phụ công này đã khoác áo nhiều đội bóng trong nước. Cô đã được đội bóng 3BB Nakornnont (Thái Lan) mời sang thi đấu đầu năm 2023 và Trà Giang góp mặt. Qua nhiều lần khoác áo các đội bóng, phụ công kỳ cựu này từng bày tỏ rằng điều mình ghi nhận nhiều nhất chính là được tích lũy chuyên môn qua sự huấn luyện của từng huấn luyện viên bởi không ai dạy mình điều ấy. Qua từng đội hình của từng đội, cầu thủ như Trà Giang có sự trải nghiệm rất tốt cho mình. Bóng chuyền Việt Nam đang có 18 đội dự giải vô địch quốc gia, mỗi đội bóng có tuyến đầu là 14 cầu thủ. Con số để thấy lực lượng vận động viên không ít. Tính chuyên nghiệp đang được từng đội bóng xây dựng cho mình để đảm bảo từ sự kỷ luật cho đến việc nhất quán trong thi đấu. Trên sân, mỗi tình huống là mỗi sự điều chỉnh của ban huấn luyện. Đại diện Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam từng phân tích rằng: “Khi mỗi cầu thủ giữ được sự kỷ luật và chuyên nghiệp, tức là ý thức rằng phải có sự tốt nhất trong chuyên môn, tuân thủ nhiều yếu tố gồm hình ảnh, thành tích thi đấu... thì bóng chuyền Việt Nam sẽ có sự tổng hòa tốt nhất để làm nên tính chuyên nghiệp chung”. Theo Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|