Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: stcatharinesstandard.ca)

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 3/4 cho thấy, hiện toàn thế giới có 105.294.782 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 22.656.641 ca bệnh đang điều trị thì có 22.559.027 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 97.614 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới. 

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 40.077.527 trường hợp, trong đó có 920.676 ca tử vong và 28.257.649 ca được điều trị khỏi. Hiện các nước châu Âu đang đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng để ứng phó với làn sóng thứ 3 của dịch bệnh, tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt vaccine đã khiến chương trình tiêm chủng tại các nước trong khu vực bị cản trở.

Số ca mắc COVID-19 tăng vọt và tiến độ tiêm chủng chậm chạp đã phủ bóng đen lên các lễ hội được mong đợi ở châu Âu trong năm thứ hai liên tiếp. Mới đây nhất, Ban tổ chức liên hoan truyện tranh nổi tiếng thế giới ở Angouleme (Pháp), dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tới, đã thông báo hủy sự kiện này do lo ngại dịch COVID-19. 7 lễ hội văn hóa dự kiến diễn ra tại Đức và Thụy Sĩ cũng bị ảnh hưởng gồm Deichbrand, Hurricane, Southside, Rock am Ring, Rock im Park, onneMondSterne và Greenfield. Trong khi đó, hai bữa tiệc văn hóa lớn là Sonar và Primavera ở Barcelona (Tây Ban Nha) cũng bị hủy trong năm thứ hai liên tiếp.

Hiện Bắc Mỹ có 36.051.578 ca nhiễm bệnh, trong đó có 822.898 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 31.314.607 ca nhiễm và 567.609 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.244.268 ca nhiễm và 203.664 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 2/4 cho biết nước này đã cung cấp ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 cho tổng cộng 101.804.762 người - tương đương hơn 30% dân số Mỹ, đạt mục tiêu ban đầu mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đặt ra. Theo CDC, gần 58 triệu người trong tổng số hơn 100 triệu người nói trên đã được tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19, theo chế độ 1 liều duy nhất hoặc 2 liều. Hơn 50% trong số đó là những người từ 65 tuổi trở lên. Trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc, Tổng thống J.Biden hồi tuần trước đã cam kết rằng khoảng 90% người Mỹ trưởng thành sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước ngày 19/4.

Để có thể kêu gọi người dân đi tiêm chủng ngừa COVID-19, Chính phủ Mỹ đã phát động một chiến dịch quảng cáo lớn, với phương châm "Chúng ta có thể làm được điều này", phát sóng trên các kênh truyền hình của Mỹ bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng bỏ ra hàng triệu USD để đưa chương trình quảng cáo về nội dung này lên các đài phát thanh phục vụ cho các cộng đồng người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Á và người Mỹ bản địa, những cộng đồng được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề do virus SARS-CoV-2. Dự kiến, chiến dịch quảng cáo trên sẽ kéo dài đến cuối tháng 4.

Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 112.120 ca nhiễm và 3.449 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê tới thời điểm hiện tại lên lần lượt 21.426.742 và 560.563 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 12.912.379; 2.428.048; 2.373.153; 1.568.345… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Tính đến sáng 3/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 28.900.516 trường hợp, với 431.163 ca tử vong và 26.329.292 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 2.139.961 ca bệnh đang điều trị thì có 26.362 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước  dẫn đầu châu Á về số ca nhiễm, với 12.391.129 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 3.400.296 ca.

Tính đến sáng 3/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.286.917 trường hợp, trong đó có 113.691 ca tử vong và 3.844.175 ca bình phục. Trong tổng số 329.051 ca đang điều trị thì có 3.038 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.550.724 ca nhiễm COVID-19 và 52.946 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 378 ca nhiễm COVID-19, trong đó 14 ca ở Australia, 363 ca ở Papua New Guinea, 1 ca ở Wallis and Futuna. Hiện khu vực này ghi nhận 57.570 ca nhiễm và 1.142 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.333 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.633 ca./