Bác sĩ Nguyễn Duy Thái, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết đơn vị vừa kịp thời cứu sống bệnh nhân L.H.S (81 tuổi, ngụ Cà Mau) bị hoại tử chân.

Theo đó, qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân cho biết gia đình nuôi tôm, cua nên chân ông S. bị trầy xước từ vỏ tôm hay cua kẹp.

Trước khi chân bị hoại tử 1 ngày, ông S. đau nhức nhiều nên người nhà đưa đến phòng khám tại địa phương và được bác sĩ giới thiệu chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cấp cứu. Trong thời gian di chuyển cấp cứu chân ông S. ngày càng phồng rộp bóng nước và hoại tử sâu cẳng chân trái.

Chỉ với 1 vết trầy, người đàn ông suýt mất mạng  - Ảnh 1.

Chân bệnh nhân nổi bóng nước màu đen với các triệu chứng diễn tiến nhanh

Tại bệnh viện, sau khi được thăm khám, ekip đã mổ khẩn, rạch giải áp, cắt lọc toàn bộ phần hoại tử. Vết thương sau đó phải để hở, sử dụng kháng sinh phổ rộng bao vây. Một tuần sau, tiếp tục dùng kỹ thuật áp lực âm để dẫn lưu dịch vết thương, kết hợp cắt lọc. Sau phẫu thuật, phần da ghép đã hồng hào.

 
Chỉ với 1 vết trầy, người đàn ông suýt mất mạng  - Ảnh 2.

Bệnh nhân may mắn đã được các bác sĩ kịp thời phẫu thuật

Song song đó, bệnh viện cũng tiến hành cấy tìm vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được chính xác tác nhân. Bác sĩ Thái nhận định, rất có khả năng ông S bị vi khuẩn hiếm gặp tấn công khi xuống vuông tôm làm việc.

Theo bác sĩ Thái, bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, nghi ngờ viêm cân mạc hoại tử. Đây là một bệnh lý ít gặp, gây hoại tử lan rộng, diễn tiến rất nhanh và rầm rộ. Nếu chậm trễ xử lý, bệnh nhân có thể tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân cũng đã có dấu hiệu suy thận cấp, bạch cầu tăng cao, rối loạn điện giải.