Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời phát ngôn viên của Taliban Sohail Shaheen cho biết chính phủ mới do lực lượng Taliban lãnh đạo sẽ bao gồm những người Afghanistan không thuộc nhóm chiến binh Taliban.
Khi được hỏi liệu chính phủ mới của Taliban có bao gồm các thành viên của chính phủ Afghanistan cũ hay không, ông Shaheen, biết hiện còn “quá sớm” để nêu tên các quan chức sẽ gồm những ai, song ông nói rằng Taliban đang cố gắng đưa một số “nhân vật nổi tiếng” tham gia vào chính phủ mới.
“Khi chúng tôi nói rằng chính phủ Hồi giáo sẽ bao gồm cả người Afghanistan, điều đó có nghĩa là những người Afghanistan khác cũng tham gia vào chính phủ”, ông Shaheen cho biết.
Trước câu hỏi liệu Taliban có kêu gọi lực lượng quân đội và cảnh sát Afghanistan tham gia lực lượng an ninh Taliban hay không, ông Shaheen cho biết tất cả những ai giao nộp vũ khí và gia nhập lực lượng Taliban sẽ được ân xá, đồng thời tính mạng và tài sản của họ sẽ được đảm bảo. Ông nói thêm rằng tên của những người đó sẽ được lưu trong sổ đăng ký và sẽ được sử dụng như một lực lượng "dự bị" và được điều động khi cần thiết.
Hôm 15/8, Taliban đã tiếp quản Afghanistan trong chớp nhoáng mà mà hầu như không vấp phải sự kháng cự nào về mặt quân sự, buộc Tổng thống Ashraf Ghani di tản khỏi đất nước, mở đường cho cuộc chuyển giao quyền lực.
Video: Lực lượng Taliban bên trong phủ tổng thống Afghanistan ở thủ đô Kabul hôm 15/8 (Nguồn: Al Jazeera):
Trong bối cảnh đó, một thủ lĩnh giấu tên của phong trào Taliban tiết lộ tổ chức này sẽ sớm tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan từ chính dinh Tổng thống ở Kabul. “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” là tên gọi được từng được dùng vào thời điểm Taliban cầm quyền trước khi bị liên quân Mỹ lật đổ vào năm 2001.
Taliban cũng tuyên bố cuộc chiến 20 năm qua đã kết thúc và nhấn mạnh kiểu chính quyền và hình thức chế độ sẽ sớm được làm rõ. Người phát ngôn văn phòng chính trị Taliban Mohammad Naeem cho biết không cơ quan ngoại ngoại giao hay bất kì trụ sở nào ở Afghanistan bị nhắm mục tiêu, khẳng định Taliban đảm bảo sẽ đảm bảo an toàn cho công dân và các phái bộ ngoại giao.
Ông Naeem cũng cho biết Taliban sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên ở Afghanistan và sẽ đảm bảo sự an toàn cần thiết. Người phát ngôn cũng khẳng định lực lượng này “sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia”. Theo đó, Taliban sẵn sàng giải quyết những quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại.
Mặc dù Taliban đã đưa ra các tuyên bố đảm bảo “quá trình chuyển giao được hoàn thành một cách an toàn, không gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và danh dự của bất kỳ ai”, nhưng mối lo sợ vẫn hiện hữu với hàng triệu người Afghanistan.
Liệu cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban có giống như trước đây hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, người dân Afghanistan đang lo lắng Taliban sẽ áp đặt lại chế độ cai trị hà khắc như trước đây, trong đó mọi quyền của phụ nữ bị loại bỏ. Các nhà quan sát cho rằng nhóm này có thể sẽ ép buộc phụ nữ ở nhà, chấm dứt nền giáo dục hoà đồng giới tính và thiết lập một xã hội với luật Hồi giáo là trung tâm.
Afghanistan là một xã hội dân sự đã phát triển trong hai thập kỷ qua, một xã hội mà trước đây chưa từng tồn tại. Phụ nữ đã đảm nhận các vị trí công không chỉ ở Kabul mà còn ở các thành phố nhỏ hơn. Điện thoại di động và phương tiện truyền thông xã hội là phổ biến. Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu Taliban có thể điều hành một cộng đồng đã thay đổi như vậy hay không.
Taliban đã từng tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo khi nắm quyền ở Afghanistan năm 1996, ban hành luật Hồi giáo Sharia nghiêm ngặt, cấm phụ nữ làm việc hoặc học tập, đồng thời cấm văn hóa phẩm phương Tây. Chính quyền này bị Mỹ lật đổ với cáo buộc chứa chấp các phần tử khủng bố al-Qaeda sau vụ tấn công 11/9/2001.