Liên tiếp rà soát, sửa đổi các chính sách thuế

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngay từ thời điểm bàn thảo về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng tình cho rằng thời điểm đầu năm 2022, Chính phủ dành một phần lớn ngân sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng là cần thiết và quan trọng. Chính sách này sẽ tạo động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn dài tiếp theo.

Trong những tháng qua, Bộ Tài chính đã bám sát theo kế hoạch Chương trình, đồng thời chủ động rà soát nhiều chính sách thuế để trình các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 như: thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời hạn nộp đối với một số sắc thuế, khoản thu...

Việc miễn, giảm thuế thời gian qua đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.
Việc miễn, giảm thuế thời gian qua đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.

Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ ban hành nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, sau khi đã xây dựng dự thảo nghị định và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Trong đó, số tháng được gia hạn trong kỳ nộp thuế lên đến 10 tháng, tổng số tiền thuế đề nghị gia hạn hơn 20.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022. Đây là chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ giúp các doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó dự kiến đề xuất điều chỉnh thuế xuất MFN đối với một số mặt hàng cho phù hợp thực tiễn.

Như vậy, Bộ Tài chính liên tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế vừa phù hợp với thực tiễn đặt ra, vừa góp phần hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Chính sách giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Quốc hội có những chính sách sát thực hơn, hiệu quả hơn, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

“Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp tiếp tục thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc từng nhấn mạnh điều này tại các diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp.

GS. TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom Việt Nam đã đánh giá cao những tác dụng của gói kích thích về tài khóa, trong đó có việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Ông cho rằng, việc giảm 2% thuế GTGT là lần thứ hai Việt Nam sử dụng chính sách này sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Với chính sách này, người tiêu dùng sẽ được giảm thuế GTGT trong chi tiêu hàng ngày, đặc biệt là khi thanh toán tại siêu thị và khi mua sắm tại các cửa hàng lớn.

Cụ thể hóa các giải pháp tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

“Gói giải pháp tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bao gồm nhiều giải pháp riêng theo từng lĩnh vực và được cụ thể hóa để thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.” - Bà Nguyễn Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)

Cũng có ý kiến cho rằng, việc giảm thuế GTGT là một bước tiến quan trọng đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, nó phải đi đôi với sự phục hồi thực sự của nền kinh tế. Trên thực tế, những tín hiệu khả quan của tăng trưởng kinh tế thời gian qua chính là sự phản chiếu kết quả của các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Việc giãn, giảm thuế, phí và lệ phí mỗi năm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế, vô hình trung đã ảnh hưởng tới “túi tiền” quốc gia. Song, với quan điểm hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp phục hồi và phát triển, từ đó mới có nguồn thu về ngân sách, Bộ Tài chính đã liên tục rà soát để trình các cấp ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực.

Phát biểu tại cuộc Tọa đàm gặp gỡ giữa tỉnh Bình Định và doanh nghiệp Hàn Quốc, người đứng đầu ngành Tài chính đã khẳng định, Bộ sẽ đảm bảo các chính sách tài chính, nhất là về chính sách thuế, chính sách về hải quan, đầu tư… được thực hiện nhất quán, ổn định và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Như vậy, không chỉ với các doanh nghiệp trong nước, mà doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ được hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.