Chiều tối 5/1, tại Ngô Quyền, Hà Nội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 7 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên (06/01/2015 – 06/01/2022) và Ra mắt Hệ sinh thái số. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đến dự Lễ kỷ niệm.
Cách đây 7 năm, ngày 06/01/2015, đúng dịp kỷ niệm 69 năm Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã chính thức ra mắt. Từ một Kênh truyền hình trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về thời lượng phát sóng, khung chương trình, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng đội ngũ, khẳng định vị thế của một cơ quan truyền thông của Quốc hội, là cầu nối gần gũi giữa Quốc hội với cử tri, được Lãnh đạo Quốc hội và cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Hòa cùng với những đổi mới của đất nước và Quốc hội khoá XV, Truyền hình Quốc hội Việt Nam xác định mục tiêu trở thành Kênh truyền hình chính luận chuyên nghiệp, chuyên sâu và hấp dẫn hàng đầu Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng và đánh giá cao bước trưởng thành của Truyền hình Quốc hội Việt Nam, đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử tới cử tri và khán giả truyền hình cả nước, trở thành một trong 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, cùng với Báo Đại biểu nhân dân trở thành những cơ quan báo chí chủ lực của Quốc hội.
Ngoài việc thông tin kịp thời các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong các bản tin thời sự, một số chương trình chuyên đề của Truyền hình Quốc hội Việt Nam được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri ghi nhận đánh giá cao.
Trong suốt 7 năm qua, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thực hiện thành công hàng trăm cuộc truyền hình trực tiếp các phiên họp của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Năm 2021, với sự tác động của dịch bệnh Covid-19, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã khắc phục khó khăn, tích cực, bền bỉ, thường xuyên đổi mới theo các hoạt động của Quốc hội với nhiều hình thức khác nhau như trực tiếp và trực tuyến… phản ánh đầy đủ các hoạt động của các đoàn ĐBQH ở các địa phương khi thực hiện họp trực tuyến.
Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: "Tôi đề nghị Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác báo chí và quy hoạch phát triển quản lý báo chí, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức triển khai thực hiện. Mọi hoạt động báo chí phải có tính Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo đúng định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát chương trình hành động của Quốc hội, của Đảng Đoàn Quốc hội trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và thực hiện Nghị quyết số 161 của Kỳ họp 11, Quốc hội khóa 14. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai quy hoạch, phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Chú trọng đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình đảm bảo thời lượng phát sóng, chương trình sản xuất trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền, thiết yếu của quốc gia với tỷ lệ tối thiểu là 70% tổng lượng phát sóng trong một ngày".
Đánh giá cao việc lựa chọn định hướng phát triển kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam thành kênh truyền hình chính luận chuyên sâu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phải nâng cao chất lượng, hình thức thể hiện để thu hút khán giả; tăng cao sự tương tác với khán giả; nâng cao chất lượng của các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên. Ngoài trình độ báo chí, các phóng viên, biên tập viên cần có những hiểu biết sâu về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần xây dựng được chiến lược phát triển, xác định được sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý văn hóa của cơ quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắn gửi tới các cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam 3 chữ “chuyên” đó là: Mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam phải “chuyên tâm” với thông tin và sản phẩm của mình, thực sự có tâm với thông điệp, hình ảnh, khách quan; mọi hành xử, tác phong, tác nghiệp, ứng xử phải “chuyên nghiệp”; các sản phẩm truyền hình khi đến với khán giả, cử tri phải “chuyên sâu” về Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiếp tục phát huy vị thế, vai trò của một Kênh truyền hình thiết yếu quốc gia không ngừng đổi mới, phát triển cả về “chất” và “lượng”, thực sự là cầu nối tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân cả nước, để “cử tri ở đâu, Truyền hình Quốc hội Việt Nam ở đó”.
Nhân dịp này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã ra mắt Hệ sinh thái số trên nền tảng internet tại địa chỉ quochoitv.vn. Đây được kỳ vọng sẽ là trung tâm nội dung số về các hoạt động của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, của các cơ quan thuộc Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội; là nền tảng của kết nối, tương tác và sáng tạo nội dung phục vụ cử tri cả nước./.