Đồng chí VŨ CÔNG TIẾN, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng:
Động lực quan trọng để Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ
Sau nhiều năm triển khai, Phong trào thi đua yêu nước “cựu chiến binh gương mẫu” đã trở thành nguồn động lực to lớn, thúc đẩy cán bộ, hội viên CCB trong tỉnh không ngừng phấn đấu, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương. Phong trào thi đua đã khích lệ hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Điển hình, trong 5 năm qua, CCB tỉnh đã đóng góp hơn 13.200m² đất, gần 4 tỷ đồng và hơn 22.800 ngày công lao động, xây mới, sửa chữa 529km đường giao thông nông thôn, nạo vét 460km kênh mương nội đồng, trồng hơn 15.200 cây xanh, bảo vệ 381ha rừng. Những thành quả này đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Đồng chí VŨ CÔNG TIẾN, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng. |
Để phong trào lan tỏa sâu rộng và đạt hiệu quả, Hội CCB tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng. Hội đã lồng ghép với các phong trào thi đua, cuộc vận động khác do Trung ương và địa phương phát động, như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đặc biệt, Hội đã triển khai hiệu quả các phong trào chuyên đề của CCB như: “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “CCB tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông”. Điều này giúp phong trào có tính lan tỏa sâu rộng và thiết thực hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để phong trào luôn mới mẻ và có sức hút, Hội đã liên tục đổi mới nội dung, hình thức thi đua, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng giai đoạn. Đồng thời, sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã tạo thêm động lực, giúp phong trào thi đua triển khai đồng bộ và hiệu quả. Nhờ đó, các hội viên CCB luôn phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong trong mọi hoạt động, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương và đất nước.
------------------------------------------------------
Đồng chí HOÀNG VĂN NGHĨA, Phó chủ tịch Hội CCB TP Hồ Chí Minh:
Thi đua hướng trọng tâm tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chế độ
Thời gian qua, Phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” của Hội CCB TP Hồ Chí Minh tập trung hướng vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng hàng đầu là tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân.
Đồng chí HOÀNG VĂN NGHĨA, Phó chủ tịch Hội CCB TP Hồ Chí Minh. |
Các cấp hội CCB thành phố đã quan tâm, động viên hội viên tham gia công tác, đảm nhiệm các chức danh cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của lực lượng nòng cốt, trực tiếp, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện và tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, làm cầu nối hiệu quả giữa Đảng với nhân dân, nhất là trong xây dựng cơ sở chính trị, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố vào cuộc sống. Đồng thời, quan tâm lựa chọn cán bộ, hội viên tham gia lực lượng nòng cốt chính trị ở địa phương.
Nắm tình hình, tham gia quản lý đối tượng ở các địa bàn nhạy cảm về an ninh trật tự; tham gia giải quyết điểm nóng; tuyên truyền thực hiện vướng mắc đền bù, giải tỏa mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng; những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện đông người, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.
Hội CCB thành phố đã triển khai nhân rộng mô hình “Tổ nòng cốt CCB tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở cơ sở”. Đây là mô hình thực hiện Đề án 05 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet và mạng xã hội”. Ghi nhận thành tích và cống hiến của hội viên CCB, tháng 8-2023, Thường trực Hội CCB thành phố tổ chức hội nghị tuyên dương 98 gương CCB tiêu biểu tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền ở cơ sở, đây là nguồn động viên, niềm tự hào với cán bộ, hội viên.
------------------------------------------------------
Đồng chí CHU XUÂN TOÀN, Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh (Gia Lai):
Hiệu quả mô hình “Ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh”
Huyện Chư Pưh có 74 thôn, làng, trong đó có tới 53 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, như: Vi phạm pháp luật giao thông đường bộ; tội phạm ma túy; gây rối trật tự, an ninh... Trước tình trạng trên, năm 2019, Hội CCB huyện Chư Pưh đã xây dựng mô hình điểm “Ánh sáng và tiếng kẻng an ninh” tại thôn Tao Klăh, xã Ia Rong.
Đồng chí CHU XUÂN TOÀN, Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh (Gia Lai). |
Để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của mô hình và cùng tham gia thực hiện, Hội đã phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép trong các đợt sinh hoạt chi hội, sinh hoạt thôn, làng. Đồng thời, vận động cán bộ, hội viên CCB gương mẫu, đi đầu thực hiện để mọi người làm theo.
Nhờ đó, nhiều hộ dân đã chủ động đóng góp kinh phí, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ, triển khai lắp 40 bóng đèn chiếu sáng và 3 cái kẻng tại các trục đường chính của làng. Vào 21 giờ 30 phút hằng ngày, hội viên trong chi hội sẽ đánh kẻng để nhắc người dân hạn chế ra đường, không tập trung đông người lúc đêm khuya, thực hiện các biện pháp đề phòng kẻ gian. Cùng với đó, tổ CCB tự quản do các hội viên CCB nòng cốt phụ trách cũng thường xuyên đi tuần tra dọc các tuyến đường, để kịp thời báo động, phối hợp xử lý khi có tình huống.
Mô hình nhanh chóng phát huy hiệu quả, nhận được sự đồng thuận của đông đảo cán bộ, hội viên và nhân dân, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Để phù hợp với tình hình thực tế, năm 2020, mô hình “Ánh sáng và tiếng kẻng an ninh” được phát triển thành mô hình “Ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh”. Hội CCB huyện tiếp tục nhân rộng mô hình tại 57 thôn, làng. Cụ thể, đã vận động cán bộ, hội viên và người dân lắp đặt hơn 460 camera và 3.800 bóng điện chiếu sáng với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng. Trong đó, cán bộ, hội viên CCB đóng góp hơn 934 triệu đồng; còn lại là nguồn xã hội hóa, huy động đóng góp từ nhân dân và các nhà hảo tâm... Qua đó, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
------------------------------------------------------
Đồng chí TRỊNH NGỌC TUẤN, Chủ tịch Hội CCB huyện Thường Tín (Hà Nội):
Kinh nghiệm trong vận động nhân dân giải phóng mặt bằng đường vành đai 4
Là huyện đồng bằng ở phía Nam TP Hà Nội, những năm gần đây, trên địa bàn huyện, nhiều khu công nghiệp, dự án, công trình giao thông đã và đang hình thành, đặc biệt là dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô; diện mạo nông thôn mới khởi sắc, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Đồng chí TRỊNH NGỌC TUẤN, Chủ tịch Hội CCB huyện Thường Tín (Hà Nội). |
Thời gian qua, hội CCB các cấp trong huyện đã chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp và làm nòng cốt tham gia giải quyết các việc khó, phức tạp, đặc biệt là dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô. Xác định đây là dự án có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, khối lượng công việc lớn, chiều dài đi qua địa bàn huyện là 9,2 km, đi qua 9 xã phía Bắc của huyện, với diện tích đất thu hồi 150ha (liên quan đến 2.096 hộ dân), di chuyển mồ mả của các gia đình vào dịp cuối năm 2022 là 2.917 mộ. Để đẩy nhanh tiến độ dự án của thành phố và của huyện, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị-xã hội đã vào cuộc quyết liệt, công tác vận động nhân dân đã đạt kết quả tốt, trong đó Hội CCB làm nòng cốt, nhận việc khó, việc mới là vận động bàn giao đất, di chuyển mồ mả để dự án được thi công.
Thực hiện nhiệm vụ này, hội CCB các xã, thị trấn đã thành lập tổ công tác CCB, đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động, trong đó, hội viên CCB luôn gương mẫu tạo sự đoàn kết trong gia đình, dòng họ và làng xóm... Đến tháng 12-2023, toàn huyện Thường Tín cơ bản bàn giao xong gần 150ha, hơn 2.090 hộ đã nhận đền bù về khu tái định cư, số mộ di chuyển đạt 100% (2.917/2.917 mộ), được Bí thư Thành ủy Hà Nội khen ngợi. Mặt khác, Hội tích cực tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ gìn an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm... góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền. Hội thực sự là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương.
------------------------------------------------------
Đồng chí THÁI ĐÌNH TRÚC, Phó chủ tịch Hội CCB thị xã Điện Bàn (Quảng Nam):
Chú trọng xây dựng tổ chức hội và phát triển hội viên
Những năm qua, nhờ làm tốt công tác tạo nguồn và tuyên truyền, vận động, gặp gỡ động viên, khơi dậy niềm tự hào về bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, do đó công tác phát triển hội viên của Hội CCB thị xã Điện Bàn hằng năm đều tăng, bảo đảm chất lượng, phát huy được tính gương mẫu của từng đồng chí khi trở thành hội viên CCB. Trong 5 năm qua (2019-2024), toàn Hội kết nạp được 383/281 hội viên, đạt 136,3% chỉ tiêu; nâng tổng số hội viên lên 4.438 hội viên, sinh hoạt ở 146 chi hội, thuộc 22 tổ chức cơ sở hội, đạt tỷ lệ thu hút CCB vào Hội trên 96%. Qua kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân hằng năm, hội viên đạt danh hiệu CCB gương mẫu và gia đình hội viên đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên 99,5%.
Đồng chí THÁI ĐÌNH TRÚC, Phó chủ tịch Hội CCB thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). |
Để thu hút hội viên vào tổ chức, Hội luôn tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực chăm lo đời sống cho hội viên. Khi kết nạp, Hội tổ chức lễ trang trọng, đúng nghi thức. Đây được xem là nguồn bổ sung lực lượng kịp thời, đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức hội vững mạnh... Để làm tốt công tác phát triển hội viên, Ban Chấp hành Hội CCB thị xã đã nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp hội về vai trò quan trọng của công tác phát triển hội viên, đưa vào kế hoạch hoạt động của Hội cụ thể, là một tiêu chí quan trọng trong Phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu”. Một trong những khâu quan trọng là cán bộ các cấp hội luôn quan tâm làm công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển hội viên, bảo đảm về số lượng, chú trọng về tiêu chuẩn, nhất là phẩm chất đạo đức của người xin vào hội. Từng tổ chức cơ sở hội đã thực hiện tốt các bước, từ việc khảo sát đối tượng đưa vào nguồn đến việc phân công các đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành thị hội, chủ tịch hội cơ sở đến tận nhà vận động, gặp gỡ, tuyên truyền...Từ đó, các đồng chí CCB nâng cao nhận thức, hiểu rõ đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm và vinh dự của người hội viên Hội CCB Việt Nam và tự nguyện làm đơn xin vào Hội.