Sự kiện nằm trong khuôn khổ Gala Báo chí 2022, do Hội Nhà báo Việt Nam giao Báo Nhà báo & Công luận tổ chức, không chỉ là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp, diễn đàn lần này là cơ hội để các nhà quản lý báo chí, các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan báo chí cùng thảo luận làm rõ những vấn đề mang tính tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số.
Tham dự và chủ trì diễn đàn có: Ủy viên Trung ương Đảng, TBT Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng; Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông Lưu Đình Phúc.
Về phía lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có: Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá; ông Đào Xuân Yên, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Thanh Hóa; ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa.
Đặc biệt, tham dự diễn đàn còn có sự tham gia của gần 60 Tổng Biên tập, Phó Biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Trong dòng chảy chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng, những vấn đề khiến nhiều cơ quan báo chí Việt Nam trăn trở là: Làm thế nào để có thể thực hiện chuyển đổi số báo chí; Chuyển đổi theo hướng nào?; Bài toán kinh phí, công nghệ sẽ được giải ra sao?...
Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà là vấn đề tư duy
Chia sẻ mở đầu diễn đàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết: “Từ đầu đến năm nay, chuyển đổi số báo chí đã trở thành chủ đề rất nóng. Đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này. Sự quan tâm của các cơ quan báo chí với vấn đề này càng ngày càng tăng, rõ ràng là chúng ta không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số. Cả nước đang trong quá trình chuyển đổi số và báo chí cũng trong quá trình này. Nếu không muốn mất độc giả, khán thính giả và quan trọng hơn nếu không đi theo lộ trình này, chúng ta sẽ không thực hiện được sứ mệnh của mình là đưa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với những độc giả, trong nước và quốc tế".
"Chúng tôi mong muốn chuyển đổi số báo chí không chỉ là trào lưu mới mà cần phải được lan toả, triển khai đến các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ ở các cơ quan báo chí Trung ương, mà ở các cơ quan báo chí địa phương… Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định lại rằng, chuyển đổi số thành công hay không phải là nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà là vấn đề tư duy, phải thay đổi tư duy của người đứng đầu cho đến toàn bộ toà soạn thì mới thành công" - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá cho rằng: "Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận phối hợp cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí tổ chức diễn đàn TBT về chủ đề chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí là một nội dung hết sức có ý nghĩa… Đặc biệt, việc chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí đang là hướng đi quan trọng để nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền, là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để đưa nội dung của tờ báo đến với công chúng, làm tròn sứ mệnh cung cấp những thông tin khách quan, chính xác, tin cậy, hấp dẫn và nhân văn, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển của đất nước".
Chuyển đổi số: Xu thế tất yếu của báo chí
Diễn đàn gồm 3 phần: Thực trạng và xu hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam; Mô hình chuyển đổi số nào sẽ phù hợp với các cơ quan báo chí hay chỉ là “cuộc chơi” nhất thời của những tờ báo có tiềm lực mạnh?; Kiến nghị và Giải pháp.
Tham luận về thực trạng chuyển đổi số báo chí Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, TBT Báo Điện tử Vietnamnet cho hay: Năm 2018, Báo Điện tử Vietnamnet được Bộ Trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ trở thành một cơ quan báo chí đi đầu về chuyển đổi số.
Ông Tuấn thừa nhận, sự khởi đầu là rất khó khăn vì công ty công nghệ lớn không mặn mà với việc hợp tác với báo chí, hoặc đưa ra mức giá đề nghị quá cao. Cho đến nay, đây vẫn là một vấn đề lớn đối với các cơ quan báo chí nói chung. Do tại Việt Nam, các công ty công nghệ chuyên sâu về lĩnh vực báo chí vẫn không nhiều.
Cũng theo ông Tuấn, các cơ quan báo chí thường rất hào hứng với “chuyển đổi”, song khi đến phần “số” thì vấp phải nhiều khó khăn, do xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là rất phức tạp và đắt đỏ.
TBT Báo Điện tử Vietnamnet nhận định, dù khó khăn, nhưng chuyển đổi số là con đường không thể khác để phát triển báo chí hiện đại.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Tô Đình Tuân, TBT Báo Người Lao Động nhấn mạnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu:“Không chuyển đổi số sẽ chết”; đồng thời cho biết, đây là mục tiêu quan trọng mà báo Người Lao động quyết tâm thực hiện.
Bàn về chuyển đổi số, nhà báo Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Quốc hội cho rằng chuyển đổi số hiện tại là "rất đắt đỏ" và với cơ chế hiện nay, nhiều đơn vị báo chí không dễ để làm. "Nếu làm phần cứng thì dễ, vì tất cả trên công bố rồi, nhưng phần mềm rất khó. Mà hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí rất khó khăn trong vấn đề chuyển đổi công nghệ ở góc độ đó".
Ông Phạm Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những chia sẻ về việc chuyển đổi số tại VOV và "mong muốn lãnh đạo Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo và các bộ, ngành có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, để có thể đến lúc chúng ta được đầu tư toàn diện cho báo chí kể cả về công nghệ và chi phí sản xuất nội dung, thông qua việc sửa đổi rất nhiều các chính sách hiện nay... Ví dụ, chính sách đặt hàng, kinh phí hỗ trợ của các địa phương... đều cần sự hỗ trợ báo chí mới giữ vững trên mặt trận thông tin, giữ vững về mặt tư tưởng, định hướng được dòng thông tin chủ lưu, từ đó sản xuất nội dung chuyên sâu".
Đa số các ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của Báo chí Việt Nam, là một trong những chìa khoá rất quan trọng, nếu không muốn nói là tiên quyết, để giải bài toán tồn tại của mỗi cơ quan báo chí. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, để từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí. Tuy nhiên, điều lãnh đạo các cơ quan báo chí trăn trở nhất vẫn là câu chuyện “bệ đỡ”, cụ thể là các bệ đỡ về cơ sở pháp lý, về đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực từ Nhà nước và các cơ quan chức năng...