Sau nhiều năm đi làm, tiết kiệm chi tiêu, tích cóp, chị Thu Thủy (Hà Nội) đang có 500 triệu đồng. Số tiền này chị Thủy đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng.

Thế nhưng, lãi suất huy động liên tục giảm, tháng 9 là đến hạn lấy lãi, chị Thủy tính toán nên tiếp tục gửi ngân hàng tất cả số tiền hay rút một nửa ra đầu tư.

“Tôi đang tính để 300 triệu đồng gửi tiết kiệm ngân hàng, còn rút 200 triệu ra mua vàng. Từ giờ đến cuối năm nếu giá vàng tăng hơn giá mua lúc này thì bán đi và chờ khi giá giảm lại mua. Cách này liệu có ổn”, chị Thủy băn khoăn.

Có lẽ, không chỉ có chị Thủy mà nhiều người đang có một khoản tiền để dành vài trăm triệu đồng cũng đang cùng chung suy nghĩ, tính toán.

Để chị Thủy có thêm cơ sở đưa ra quyết định cho bản thân, chúng tôi đưa câu hỏi của chị tới chuyên gia kinh tế để có thêm lời khuyên.

Băn khoăn gửi tiết kiệm ngân hàng và mua vàng khi có 500 triệu đồng. (Ảnh: Hoàng Hà)

Chia sẻ với PV VietNamNet, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, đầu tư gì, ở đâu đều phải đảm bảo 3 nguyên tắc. Đó là phải sinh lời, an toàn vốn và đầu tư phải có tính thanh khoản.

Theo ông Hiếu, gửi tiền ngân hàng đạt cả 3 điều này. Tại thời điểm hiện nay, gửi tiền ngân hàng là phương án an toàn nhất.

“Về sinh lời, dù mức lãi suất ở ngân hàng hiện thấp hơn trước đây, nhưng vẫn còn mức tốt. Vẫn có thể có mức lãi suất 5-7% với khoản tiền 500 triệu đồng tại những ngân hàng nhỏ, đang cần vốn.

Đồng thời, bất cứ lúc nào cần tiền đều có thể đến ngân hàng rút ra được, dù chịu một mức tiền phạt nhưng tiền gốc 500 triệu đồng có thể lấy lại bất cứ lúc nào”, ông Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, với phương án chia khoản tiền 500 triệu đồng này thành 300 triệu đồng gửi tiết kiệm, còn 200 triệu đồng đem đi mua vàng, vị chuyên gia này cho rằng, cũng có thể xem xét.

Theo ông Hiếu, Ngân hàng Liên bang Mỹ vẫn có khả năng tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất đó sẽ áp lực giảm giá vàng, tăng giá trị của đồng USD. 

Tuy nhiên, theo nhận định của ông, từ nay đến cuối năm, giá vàng trên thế giới sẽ tăng. Điều này khiến giá vàng trong nước cũng sẽ tăng.

“Nếu bỏ 200 triệu đồng trong số tiền 500 triệu đồng để mua vàng, có thể xem xét. Tuy nhiên, chơi vàng rất rủi ro, phải là những người có kỹ thuật đầu tư vào vàng, có cách mua vàng có thể kiểm soát được rủi ro, mất giá.

Tôi không khuyên nên mua vàng nhưng có thể xem xét việc mua vàng bên cạnh việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Khi giá vàng lên cao, sẽ có nguồn sinh lợi cao hơn tiền gửi ngân hàng”, ông Hiếu nói.

Song, “chơi” vàng rủi ro hơn là gửi tiền ngân hàng. Do đó, vị chuyên gia tài chính – ngân hàng này vẫn khuyến cáo, thời điểm này, gửi tiết kiệm vẫn là phương án tối ưu cho những người có số tiền tương đối nhỏ.

Nhận định về lãi suất từ nay đến cuối năm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế chia sẻ, sau các lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất huy động xuống khá thấp. Lãi suất cho vay cũng đang xuống dần.

Do đó, theo ông Thịnh, từ nay đến cuối năm, lãi suất vẫn sẽ tiếp đà đi xuống, giảm nhẹ thêm, sau đó mới ổn định. Mức lãi suất thấp cũng là điều rất tốt cho hoạt động huy động vốn cũng như chi phí vốn cho nền kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

 

Chốt phiên giao dịch 19/8, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 67 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,7 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 67triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,72 triệu đồng/lượng (bán ra). 

Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,75 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 67,05 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 67,65 triệu đồng/lượng. 

Tính từ đầu tháng, giá vàng tại SJC tăng 400.000 đồng/lượng, còn tại Doji tăng 500.000 đồng/lượng. 

Trong khi đó, lãi suất huy động các ngân hàng có xu hướng giảm. Hiện, lãi suất cao nhất của các ngân hàng vào khoảng  7 – 7,3%/năm ở một số kỳ hạn.

Tính đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đang duy trì lãi suất huy động cao nhất từ 7-7,3% tại một vài kỳ hạn gồm: ABBank, PVCombank (kỳ hạn 6 tháng); PVCombank, NCB, CBBank, BaoVietBank (kỳ hạn 9 – 18 tháng); VietA Bank, HDBank (12 – 18 tháng); NamA Bank (12 tháng); và KienLong Bank, LPBank OceanBank (18 tháng).

Lãi suất huy động phổ biến hiện nay được hầu hết các ngân hàng niêm yết từ 6-6,9%/năm. 

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 467.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Điều này cho thấy người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm là có lợi và an toàn.