Đại học phản ứng trước dự kiến siết xét tuyển sớm của Bộ Giáo dục25/11/2024 - 07:44:00 Dự định giới hạn xét tuyển sớm quá 20% chỉ tiêu, điểm chuẩn không thấp hơn đợt thường của Bộ Giáo dục theo đại diện các trường là gây ra nhiều rào cản bất hợp lý, khó khả thi.
Dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cuối tuần trước nhiều điểm mới về xét tuyển sớm (xét trước khi có điểm thi tốt nghiệp THPT). Đọc dự thảo, chuyên gia tuyển sinh ở nhiều trường bối rối. Họ cho rằng Bộ đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật bất hợp lý, vài điểm khó hiểu, khó khả thi. Đầu tiên là giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu và các trường không được gọi vượt số này. Hiện, hầu hết đại học dành 30-80% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, gọi số trúng tuyển nhiều hơn khoảng 0,5-2 lần để có thể tuyển đủ. "Thí sinh đăng ký xét sớm thường nộp vào nhiều trường, kể cả những em thuộc diện tuyển thẳng nên có tỷ lệ ảo nhất định", trưởng phòng Đào tạo một đại học ở phía Nam lý giải. Còn đại diện một trường kinh tế ở Hà Nội nhìn nhận nếu giảm tỷ lệ xét tuyển sớm còn 20%, các trường phải chật vật lọc ảo với 80% còn lại trong đợt xét tuyển chung (thường vào tháng 7), gây hỗn loạn, dễ tuyển thừa quá nhiều và bị phạt, hoặc tuyển thiếu so với nhu cầu. PGS.TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nha Trang, cho rằng việc giới hạn xét tuyển sớm còn tác động lớn đến thí sinh. "Khi các trường không được gọi trúng tuyển sớm nhiều như trước, điểm chuẩn và tỷ lệ chọi ở các phương thức xét tuyển sớm sẽ cao hơn, cạnh tranh gay gắt hơn", ông nói. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 của một số trườngCác phương thức xét tuyển sớmPhương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPTBách khoa Hà NộiKinh tế quốc dânKinh tế TP HCMLuật TP HCMNgoại thương02.5k5k7.5k10kVnExpress
Dự kiến thứ hai khiến nhiều người thắc mắc là yêu cầu điểm trúng tuyển đợt xét sớm không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét theo kế hoạch chung của Bộ. Điểm chuẩn ở mọi phương thức, tổ hợp được quy đổi về thang chung và thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm này, không phân biệt phương thức. Một chuyên gia tuyển sinh ở Hà Nội nói ông hiểu điều này đồng nghĩa điểm chuẩn xét theo học bạ, thi đánh giá năng lực hay xét kết hợp chứng chỉ quốc tế (SAT, IELTS...) ở đợt sớm phải bằng hoặc cao hơn điểm dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. "Nếu đúng như vậy thì vô cùng bất hợp lý vì các kỳ thi có độ khó khác nhau. Trong khi điểm chuẩn phụ thuộc vào độ khó và chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức", ông nói. Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ có mục đích chính là xét tốt nghiệp, tỷ lệ luôn đạt khoảng 98-99% trong 10 năm qua. "Việc quy đổi với các trường không khó nhưng tạo ra sự rối rắm, phức tạp, gây khó hiểu cho thí sinh", ông nhận định. Nếu không cào bằng điểm chuẩn giữa các phương thức thì không cần phải quy đổi về thang 30. Theo vị này, dù hiểu theo cách nào, việc siết chỉ tiêu xét tuyển sớm chỉ trong giới hạn 20% sẽ đẩy điểm chuẩn lên cao, đúng với tiêu chí chọn được học sinh có thành tích vượt trội. Nhưng nếu lấy cao quá, các trường sẽ vào thế khó vì mức đầu vào đó không được thấp hơn đợt xét tuyển chung theo kế hoạch của Bộ. "Đưa ra các quy định trên có lẽ nhằm giảm xét tuyển sớm", ông nhìn nhận. Đại diện một trường khác ở Hà Nội có cùng suy nghĩ, cho rằng các quy định này ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, quyền tự chủ của nhiều trường. Ngoài ra, các chuyên gia chỉ ra một số điểm chưa rõ ràng trong dự thảo của Bộ, như tổ hợp xét tuyển theo cách chọn môn ở chương trình giáo dục phổ thông mới; quy đổi điểm chuẩn thế nào với những thí sinh được tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển khi có giải quốc gia, cấp tỉnh và thành tích học thuật, hoạt động xã hội... Theo VNEXPRESS
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|