Ngay từ sớm, bằng sự lão luyện và tuệ nhãn của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã nhận ra tài năng quân sự của người đồng chí, người học trò thân thiết: Võ Nguyên Giáp. Cuối năm 1944, Người nói với mọi người: “Việc quân sự thì giao cho chú Văn” và tin tưởng giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của QĐND Việt Nam.
Sự ra đời của Đội với 34 người, trang bị vũ khí thô sơ, nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhanh chóng trưởng thành. Ngay trong hai trận đầu tiên đánh Đồn Phai Khắt và Nà Ngần (ngày 25 và 26-12-1944), Đội đã giành thắng lợi mở đầu cho truyền thống đã ra quân là đánh thắng và đánh thắng ngay trận đầu của Quân đội ta.
Đầu năm 1945, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, các lực lượng vũ trang cách mạng tại Căn cứ địa Việt Bắc gồm Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có bước phát triển mạnh mẽ. Thực hiện chủ trương Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Trung ương đã quyết định thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 15-5-1945, tại đình Làng Quặng, xã Định Biên Thượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chủ trì lễ thống nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân thành “Việt Nam Giải phóng quân”.
Đây là tổ chức quân sự có chỉ huy thống nhất có nhiệm vụ phối hợp với tự vệ, nhân dân chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, sẵn sàng tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước khi thời cơ đến. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân.
Từ ngày 13-8 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng được tổ chức tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Thi hành Mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, chiều 16-8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân. Một đơn vị giải phóng quân do ông chỉ huy từ Tân Trào, Tuyên Quang kéo về bao vây tấn công quân Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên.
Tiếp đó, Việt Nam Giải phóng quân trở thành lực lượng nòng cốt cùng toàn thể nhân dân Việt Nam tiến hành thành công cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Cách mạng thành công, nhưng nhân dân Việt Nam chưa kịp hưởng trọn quyền của người dân độc lập đã phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 30/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 230/SL bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp giữ chức Tổng Chỉ huy quân đội toàn quốc. Sau nhiều lần nhân nhượng với thực dân Pháp để tránh một cuộc chiến tranh (như việc ký Hiệp ước 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp rằng, nếu xảy ra chiến tranh thì ta có thể giữ Hà Nội trong thời gian bao lâu.
Với tư cách là người được Đảng phân công phụ trách công tác quân sự, đồng chí Võ Nguyên Giáp đáp, phải cố giữ ít nhất nửa tháng. Sau đó, Hà Nội đã mở đầu cho cuộc Toàn quốc kháng chiến năm 1946. Với trang bị còn rất thô sơ, lực lượng vũ trang Thủ đô cùng nhân dân phải đương đầu với lực lượng quân Pháp chính quy, được trang bị hiện đại. Tuy vậy, quân và dân Thủ đô, trong đó, nòng cốt là Trung đoàn Thủ đô, được thành lập ngay trong khói lửa chiến tranh, đã giam chân quân Pháp được hai tháng.
Năm 1947, nhằm phá tan cơ quan đầu não kháng chiến và tiêu diệt bộ đội chủ lực của Việt Minh, thực dân Pháp mở cuộc tiến công lên Việt Bắc. Nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng chiến dịch đã tiến hành chiến dịch phản công thắng lợi. Việt Bắc đã trở thành “mồ chôn quân Pháp”.
Trong chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng (Tư lệnh) kiêm Chính ủy chiến dịch. Với quyết định tiến công Đông Khê giành thắng lợi trong trận then chốt mở màn đã cho thấy sự quyết đoán mang tính độc lập sáng suốt, thể hiện tài thao lược và phong cách cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Biên giới được khai thông, kể từ đây, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã có thêm sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, mà trực tiếp là Trung Quốc và Liên Xô.
Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân đội ta liên tiếp giành những thắng lợi giòn giã trong các chiến dịch Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953). Năm 1954, dưới sự chỉ huy tài tình của vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, QĐND Việt Nam đã cùng với toàn dân viết nên một thiên lịch sử bằng vàng khi đánh bại thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khắp năm châu vang tiếng: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp. Với việc thực dân Pháp ký Hiệp định Genève (1954), ta mới giành được độc lập cho một nửa đất nước. Miền Bắc trở thành hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.
Kể từ khi đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, nhân dân ta phải đương đầu với một kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự hàng đầu thế giới. Với tinh thần “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Thống soái tối cao đã lãnh đạo lực lượng vũ trang trên cả hai miền Nam-Bắc giành những thắng lợi quyết định, lần lượt đánh bại các chiến lược: Chiến tranh đặc biệt (1961-1965), Chiến tranh cục bộ (1965-1968) và Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1972).
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 của quân và dân ta đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để ký Hiệp định Paris 27-1-1973. Chính quyền tay sai đã mất đi chỗ dựa, thời cơ giải phóng miền Nam đã dần hiện rõ. Cùng với Bộ Thống soái tối cao, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ đạo toàn quân và toàn dân tích cực chuẩn bị cho cuộc tiến công quyết định. Xuân 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta diễn ra với 3 đòn chiến lược, 4 chiến dịch tiến công.
Dấu ấn của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được thể hiện rõ nét trong mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Cùng với đó, bằng nhãn quan chiến lược, ngay trong Tổng tiến công và nổi dậy, Đại tướng đã chỉ đạo nhanh chóng thành lập một lực lượng để giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Nhờ đó, sau 21 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, quân và dân ta đã có một mùa Xuân toàn thắng, non sông thu về một mối.
Tiếp nối truyền thống cha ông, trong thế kỷ XX, QĐND Việt Nam đã ghi vào trang sử vàng dân tộc những chiến công chói lọi. Trong từng chiến công đó, chúng ta đều thấy có dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những cống hiến của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người “Anh Cả” của QĐND Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng sẽ mãi là tấm gương sáng để cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tiếp bước, noi theo.
Nguyễn Hà Hải