Ngày 2-5, Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã đến khảo sát công tác quản lý và sử dụng thuốc tại Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch.
Ứng dụng công nghệ thông tin kê đơn thuốc
Theo TS.BS Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch, hiện BV đã có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn đấu thầu, mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc. Việc đấu thầu rộng rãi qua mạng cũng đảm bảo minh bạch, công khai.
Cụ thể, năm 2022, đơn thuốc ngoại trú tại BV được duyệt dưới hình thức hồi cứu, ghi nhận và báo cáo các vấn đề thường gặp. Đến năm 2023, dược sĩ lâm sàng duyệt đơn thuốc trực tiếp tại nhà thuốc trước khi cấp phát cho người bệnh.
Tuy nhiên, do số lượng đơn thuốc nhiều và chưa có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin nên chưa duyệt được toàn bộ đơn thuốc, chỉ can thiệp chọn lọc đối với những vấn đề nổi bật.
Đến năm 2024, BV đã ứng dụng công nghệ thông tin vào kê đơn thuốc, phê duyệt và cấp phát thuốc ngoại trú. Từ đó, các BS điều trị có nhiều thông tin hữu ích trong chỉ định thuốc an toàn, hiệu quả điều trị; người bệnh được sử dụng thuốc đúng, đạt hiệu quả điều trị cao.
“Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế không chỉ giúp các cơ sở y tế nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, mà còn tạo thuận lợi cho BS đưa chỉ định thuốc chính xác, giúp việc quản lý hoạt động cung ứng thuốc hiệu quả hơn” - ông Lân nhấn mạnh.
BV gặp khó do thiếu nhân lực chuyên về đấu thầu
PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cho biết hiện nay các BV đang cố gắng sử dụng, mua sắm, quản lý thuốc nội trú với những kho thuốc hiện đại, đạt tiêu chuẩn, cố gắng đưa thuốc tới tận giường bệnh.
Tuy nhiên, thuốc mua vào - bán ra cho bệnh nhân là cùng một giá, không có sự chênh lệch hay trợ giá cho BV về công vận chuyển, hư hao, bảo quản... Bất cập này cần điều chỉnh để BV thuận lợi hơn trong cung ứng thuốc cho bệnh nhân nội trú.
Về công tác đấu thầu, hiện các BV đang "rất khổ sở" khi hằng năm có thể phải thực hiện hàng trăm gói thầu, nhưng lại không có nhân lực chuyên về lĩnh vực đấu thầu thuốc, vật tư y tế.
“Nếu không có nghiệp vụ, kinh nghiệm đấu thầu sẽ rất dễ mắc sai lầm. Thiết nghĩ đối với những sản phẩm đặc trưng trong ngành y tế, nên quản lý giá từ ngay lúc nhập vào thị trường Việt Nam để cố định giá, tránh mỗi nơi đấu thầu mỗi giá, dễ dẫn đến tiêu cực, lãng phí tài nguyên. Việc này còn giúp các BV tiết kiệm nhân lực đấu thầu, tập trung cho chuyên môn” - BS Tuyết đề xuất.
Theo BS Lân, việc tra cứu thông tin thuốc, giá kê khai/kê khai lại trên trang web của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chưa được cập nhật kịp thời và đầy đủ. Ngoài ra, chế độ bồi dưỡng độc hại cho nhân viên y tế chuyên ngành dược cũng là một khó khăn cho BV.
Tại buổi khảo sát, đại diện phòng Kiểm tra và phối hợp liên ngành (Cục Quản lý thị trường TP.HCM), cho biết khi khảo sát tại các kho thuốc của BV, ghi nhận có những loại thuốc đặc thù của bệnh cơ bản được xuất nhập an toàn. Cạnh đó, các loại thuốc trong kho đa số do Việt Nam sản xuất, giúp kích cầu cho thuốc nội.
Vị này đề xuất BV cố gắng tìm kiếm nhiều loại thuốc giúp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Cần đặc biệt lưu ý nguồn gốc thuốc và hạn sử dụng, tránh tình trạng thuốc quá gần ngày hết hạn.
Đảm bảo chặt chẽ quản lý thuốc tại TP.HCM
Qua các cuộc khảo sát mới đây tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc ở quận 5, đoàn công tác nhận thấy công tác quản lý thuốc trên địa bàn TP đảm bảo chặt chẽ theo quy định của Bộ Y tế cũng như hướng dẫn của Sở Y tế.
Khảo sát tại BV Phạm Ngọc Thạch sáng nay, đoàn công tác thấy khâu quản lý, sử dụng thuốc và phát thuốc cho người bệnh được đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình. BV có nhiều phần mềm, chương trình quản lý thuốc vừa chuyển đổi số kịp thời, vừa tạo thuận lợi cho bệnh nhân.
Ông CAO THANH BÌNH - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM