Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh diễn ra đầu tuần qua, lãnh đạo một số địa phương cho hay tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chủ yếu do lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra… Một số khó khăn khác là do chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm…
Vướng ở đâu?
TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo quy định, giá tham gia mời thầu phải thấp hơn giá trúng thầu 12 tháng trước đây và quy định này khó thực hiện được vì thuốc tính 12 tháng bao gồm lạm phát, khía cạnh liên quan chuỗi cung ứng, liên quan logictic, vận chuyển, bảo quản, rất khó đưa ra giá hợp lý.
“Vướng mắc đầu tiên là quy định về giá thuốc mời thầu phải thấp hơn giá 12 tháng trước đó. Trên thực tế rất khó có doanh nghiệp có thuốc, vật tư tiêu hao có giá như vậy. Đây là điểm mấu chốt cần lưu ý. Trong đấu thầu về các dịch vụ hàng hóa thông thường, nếu rẻ hơn rất tốt, nhưng đối với thuốc chữa bệnh thì như vậy không đảm bảo, ảnh hưởng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh”, ông Quang nói.
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Chủ tịch Hội dược học, Phó Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM cũng cho rằng, hiện nay, hệ thống điều trị của chúng ta đang phải đối diện với những thử thách rất lớn. Nếu cởi trói được những vướng mắc, phát triển được thì điều trị sẽ tốt và người dân sẽ được hưởng thụ.
“Xương sống của điều trị chính là hệ thống bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. Liên quan tới cơ chế tài chính của bệnh viện, về cơ sở vật chất, chúng tôi cực kỳ khổ sở với cơ chế đấu thầu về thuốc và trang thiết bị y tế. Đấu thầu thuốc được các ĐBQH lên tiếng nhiều năm qua, nhưng chúng ta vẫn theo cơ chế càng rẻ càng tốt và năm sau phải rẻ hơn năm trước… Bây giờ chúng tôi hỏi 1 câu ngược lại, nếu thị trường biến động giống như giá xăng tăng, giá thuốc tăng thì liệu bảo hiểm có thanh toán theo cái tăng hay không? Đây là một cơ chế bất cập”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Đâu là giải pháp?
Bà Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phải tương thích với những luật khác nữa như Luật đấu thầu, Luật bảo hiểm y tế…, nhưng đồng thời phải có cơ chế riêng để làm sao có được thuốc và trang thiết bị cho bệnh viện.
“Với các bệnh viện tư nhân, họ có vấn đề thiếu thuốc hay không? có phải đấu thầu trang thiết bị không? Đấy là tiền của họ và câu chuyện trở nên rất đơn giản. Thực hiện cơ chế đấu thầu như hiện nay, theo tôi, thiệt hại lớn nhất chính là thiệt hại về nhân lực, không chỉ là nhân lực để tập trung cho công tác đấu thầu đối với từng bệnh viện, vì khi các bác sĩ, nhân viên y tế không phải là những người được đào tạo về đấu thầu bận rộn với đủ thứ chi tiết đấu thầu thì không thể tập trung phát triển về mặt chuyên môn, kỹ thuật. Chưa kể sau đó làm sai thì sẽ bị xử lý hình sự, bị bắt, như thế sẽ bị mất nguồn nhân lực”, bà Phong Lan nói.
Theo ĐBQH đoàn TP.HCM, cần phải đột phá từ trên xuống dưới, phải thay đổi về thể chế, về chính sách… nếu không những sự việc đang xảy ra cho ngành y tế sẽ tiếp tục kéo dài từ năm này sang năm khác.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, bệnh viện muốn có thương hiệu thì phải có bác sĩ giỏi, nhưng bác sĩ giỏi thì cũng phải dựa trên trang thiết bị hiện đại và dựa trên thuốc tốt.
“Tất cả những cái đó không mua được bằng khẩu hiệu, không mua được bằng những mệnh lệnh hành chính mà chúng ta phải tạo môi trường pháp lý”, bà Phong Lan nhấn mạnh./.