Đổ xô chọn môn xã hội, kiến nghị Bộ GD&ĐT rà soát lại chương trình11/12/2024 - 15:08:00 Các trường THPT cho biết, thử khảo sát đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT 2025 cho thấy kết quả học sinh chọn môn xã hội áp đảo, có trường lên tới 90%.
Thầy Nguyễn Mạnh Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường, huyện Ứng Hoà (Hà Nội) cho biết, năm học này có tới 90% học sinh lớp 12 chọn thi các môn xã hội, duy chỉ có khoảng 10% em học lực khá, tốt thi môn tự nhiên. Về nguyên nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường cho rằng, chất lượng học sinh đầu vào của trường không cao, học sinh ít có điều kiện học ngoại ngữ nên chủ yếu lựa chọn các môn xã hội dễ học, dễ hiểu. Tuy nhiên, vẫn có những em có năng lực nổi trội, chọn thi các môn tự nhiên và kết quả thi hằng năm rất tốt. Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, nhà trường đã cho học sinh thử đăng ký môn thi tốt nghiệp để có kế hoạch dạy học, kết quả không bất ngờ khi ngoài hai môn Ngữ văn và Toán, môn học sinh chọn thi nhiều nhất là Ngoại ngữ (chiếm 738/912 em). Các môn có học sinh chọn nhiều lần lượt tiếp theo là Vật lý, Lịch sử, Hoá học. Những môn có số học sinh chọn để thi tốt nghiệp thấp hoặc không có lựa chọn nào gồm: Sinh học 35/912 em; Tin học 5 em và Công nghệ thông tin không có học sinh lựa chọn.
Theo bà Quỳnh, nhìn chung học sinh đang có xu hướng chọn các môn xã hội để thi tốt nghiệp, né tránh các môn Khoa học tự nhiên vì những môn này khó học. Thay vào đó, các em chọn Văn, Toán, Anh và thêm một môn trong tổ hợp xã hội, dễ “ăn” điểm hơn các môn Vật lý, Hoá học, vốn là những môn đòi hỏi phải có tư duy, kiến thức nền tảng từ THCS mới dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức nhìn nhận về lâu dài, điều này sẽ gây mất cân bằng nguồn nhân lực cho đất nước, do đó cách làm của trường THPT là phải xây dựng các tổ hợp một cách khoa học, tạo thuận lợi cho học sinh khi chọn môn để tạo thành các khối xét tuyển đại học. “Ở trường Việt Đức, khi vào lớp 10, nhà trường tổ chức tư vấn rất kỹ học sinh và phụ huynh đồng thời động viên học sinh tự chọn các tổ hợp có các môn tự nhiên. Nếu sau một thời gian học, không phù hợp, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các em đổi. Tuy nhiên, những năm qua, sau một năm học, gần như không có học sinh đổi từ môn tự nhiên sang xã hội”, bà Quỳnh nói. Nhiều năm nay, tỉ lệ học sinh đăng ký thi Tốt nghiệp THPT luôn lệch về các môn xã hội. Riêng năm 2024, trong số 1,07 triệu học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT có tới 670.000 thí sinh, trong đó học sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội áp đảo với 63%. Khẩn trương đánh giá chương trình Trong kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mới đây, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, về Chương trình và tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 so với Chương trình GDPT 2006 có những nét khác biệt. Đó là số môn học nhiều hơn, trong đó có một số môn học mới. Nội dung các môn học nâng cao hơn, khối lượng nhiều hơn, có thêm một số kiến thức được lấy từ chương trình bậc ĐH đưa xuống. Một số môn học lựa chọn không chỉ mới mà còn không phải là những môn học cơ bản quen thuộc để hướng nghiệp cho học sinh, cũng không phải để trang bị cho học sinh các kỹ năng học tập hoặc kỹ năng nghề cơ bản (Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc). Những môn học này chủ yếu học “chay”, ít được thực hành, thực tập. Theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, sau 5 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 phát hiện thấy có biểu hiện học sinh gặp quá tải trong học tập (cả về khối lượng và độ khó). Nhiều tổ hợp môn học lựa chọn do trường THPT lập ra có thể không phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Hệ lụy ngay trước mắt là giáo viên các môn khoa học tự nhiên ở cấp THPT đặc biệt là giáo viên môn Sinh học và Hóa học không có giờ dạy phải thực hiện các nhiệm vụ khác. Ví dụ như, chuyển sang làm nhiệm vụ hướng dẫn các hoạt động giáo dục và dạy nội dung giáo dục địa phương. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương đánh giá toàn bộ Chương trình GDPT 2018 ở cả 3 cấp học, đặc biệt là ở phân khúc THPT, trên mọi bình diện: mục tiêu, nội dung (khối lượng, trình độ và chất lượng), mức độ quá tải, mức độ định hướng nghề nghiệp, độ mềm dẻo, khả năng liên thông (ngang và dọc), khả năng phân luồng sau THCS,…Nếu phát hiện thấy những bất cập nghiêm trọng cần đưa ra các quyết định điều chỉnh ngay. Bộ GD&ĐT cũng cần có các giải pháp quyết liệt chỉ đạo các sở GD&ĐT thực hiện hướng nghiệp sâu ngay từ cuối cấp học THCS và đầu cấp học THPT vì hiện nay học sinh còn chưa được tư vấn về nghề nghiệp sớm từ cấp THCS, dẫn đến việc lựa chọn các môn học lựa chọn để học ở cấp THPT còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đồng thời, linh hoạt cho chuyển đổi môn học lựa chọn đảm bảo cân bằng tương đối giữa các môn học khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để đảm bảo nguồn nhân lực đầu vào cho các ngành khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên. Yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT rà soát lại danh sách các tổ hợp môn học lựa chọn để học sinh có nhiều cơ hội được đăng ký vào nhiều tổ hợp xét tuyển ĐH. Cho học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn theo nhu cầu phục vụ xét tuyển các ngành học ở bậc ĐH phù hợp với năng lực và sở trường của học sinh được hình thành trong quá trình học ở bậc THPT. Ví dụ, bổ sung môn Hóa học đối với tổ hợp Vật lý-Tin học - Công nghệ- Kinh tế và pháp luật để học sinh có thêm cơ hội được đăng ký học các ngành ĐH thuộc tổ hợp môn học A00,…). Theo Báo Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|