Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (9/5) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho hay giá xăng trong nước tại kỳ điều hành chiều nay được dự báo giảm sâu.

Các đầu mối xăng dầu nhận định, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng E5 RON 92 có thể giảm 1.100 đồng/lít, giá xăng RON 95 có khả năng giảm 1.280 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có thể giảm 780 đồng/lít.

Trong trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương trích Quỹ bình ổn thì giá xăng có khả năng giảm ít hơn.

gia xang 1 1419 1200 1473.jpg
Giá xăng dầu suy giảm. Ảnh: Chí Hùng

Ở kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 2/5), giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng nhẹ, giá xăng E5 RON giữ nguyên còn các mặt hàng dầu (trừ dầu mazut) giảm từ 110-140 đồng.

Cụ thể, giá xăng E5 giữ ở mức 23.910 đồng/lít. Còn giá xăng RON 95 tăng 40 đồng/lít, giá bán lên mức 24.950 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 110 đồng/lít, giá bán xuống mức 20.600 đồng/lít. Tương tự, giá dầu hoả giảm 140 đồng/lít, giá bán còn 20.540 đồng/lít.

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 9/5/2024 

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 9/5 nối dài đà giảm từ hai phiên trước.

Ngày 8/5, giá xăng dầu thế giới giảm nhẹ. Giá dầu Brent xuống mốc 82 USD/thùng.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h55' ngày 9/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 82,43 USD/thùng, giảm 0,88% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 77,69 USD/thùng, giảm 0,88% so với phiên liền trước.

Giới phân tích cho hay, giá dầu giảm trước lo ngại về nguồn cung có dấu hiệu giảm bớt và tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng nhẹ.

Giá dầu đi xuống sau khi số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu thô và nhiên liệu ở Mỹ tăng. Đây là một dấu hiệu thể hiện nhu cầu yếu đi.

Các nguồn tin dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 509.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/5, ngược với dự đoán giảm 1,43 triệu thùng của các nhà phân tích. Dự trữ xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tăng.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu sức ép do những lo ngại về nguồn cung có dấu hiệu giảm bớt.

Các nhà giao dịch cho rằng tình hình căng thẳng ở Trung Đông không tác động nhiều đến nguồn cung trong ngắn hạn. 

Trong khi đó, các nhà hòa giải vẫn đang nỗ lực để có một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.

Tuy nhiên, giới đầu tư cũng tỏ ra thận trọng về việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (nhóm OPEC+) cắt giảm nguồn cung trước cuộc họp chính sách vào ngày 1/6 tới. Một số nhà phân tích kỳ vọng rằng nhu cầu ngắn hạn vẫn được hỗ trợ tốt và giá dầu sẽ hạn chế đà giảm.