PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam về vấn đề này.
PV: Vì sao cần thiết phải tăng giá nước sinh hoạt và giá nước sinh hoạt hiện nay đang được tính như thế nào?
GS.TS Nguyễn Việt Anh: Về nguyên tắc, giá nước phải được tính đúng tính đủ. Đây cũng là nguyên tắc tính đúng tính đủ các nơi trên thế giới thực hiện. Hiện nay, trong các văn bản pháp quy đã đề cập đến nguyên tắc này nhưng thực tế triển khai chưa đầy đủ.
Chúng ta vẫn phải đảm bảo hài hòa giữa việc nhà sản xuất cung cấp nước sạch không bị lỗ, đồng thời người dân cũng không bị gánh nặng áp lực về mặt giá nước cho nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, so giá nước với các chi phí khác như điện thoại, internet, điện hay các dịch vụ công ích khác nữa thì thuế thu nhập và tỷ lệ % chi cho tiền nước vẫn là thấp so với các nước khác.
Khách quan mà nói, khi công ty nước sạch đề xuất tăng giá nước thì có chính quyền thành phố tài chính… là đã có cân nhắc rất là sát. Tuy nhiên, việc tăng giá nước đúng ra là phải thực hiện từ 2 đến 3 năm 1 lần.
Chúng ta có lộ trình tăng dần để phù hợp với túi tiền của người dân và đáp ứng được việc tính đúng tính đủ cho doanh nghiệp. Nhiều thành phố, kể cả Hà Nội thực hiện rất chậm, 2 đến 3 năm, thậm chí có khi 5 năm mới tăng giá một lần, nhất là trong bối cảnh như là dịch bệnh COVID, kinh tế khó khăn... các đơn vị đã tìm cách để kéo giãn ra. Trong khi giá điện tăng, giá dịch vụ vận tải tăng. rồi hóa chất các thứ đều tăng. lạm phát thì giá nước tăng là chuyện đương nhiên.
Chúng tôi nghĩ rằng, việc tăng giá nước nếu để cơ cấu giá công khai, minh bạch để cho người dân tìm hiểu và thấy được thì người ta sẽ dễ chia sẻ. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông.
Bên cạnh đó, giá nước còn phải bao gồm cả dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, đồng hành với thành phố trong việc xử lý thoát nước mưa và chống ngập. Nếu mà tính đầy đủ, giá dịch vụ thu gom và xử lý thải còn đắt hơn là giá nước nơi cấp thế.
Hiện nay, chúng ta mới tính từ thành phố này thành phố khác dao động từ 10 đến 20 % hóa đơn tiền nước thôi, như thế lại còn chưa đủ. Còn ví dụ như ở châu Âu chẳng hạn, 1m3 nước sạch giá 2 Euro, nhưng 2,5 Euro/ m3 nước thải.
Để vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chúng ta chưa nói đến kinh phí đầu tư chi phí đầu tư là do chính quyền hoặc tiền ngân sách, tiền vay của nước ngoài. Quá trình vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải cũng phải hướng tới tính đúng tính đủ.
Vì thế, tính đúng là giá nước bao gồm tất cả được chi phí , tính đủ để cho doanh nghiệp không bị lỗ mà còn chưa kể đến chi phí tái sản xuất, đầu tư vào công nghệ mới để nâng cao chất lượng nước hơn, để giảm thất thoát, điều tiết giữa các khu vực.
Đặc biệt là chúng ta còn phải hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương, ví dụ như là gia đình chính sách, các hộ nghèo, những người mà khó tiếp cận tới dịch vụ hơn, chúng ta còn có sự hỗ trợ bù giá chéo này. Do vậy, các thể chế phải thực hiện rất tốt và và tôi hy vọng là người dân cũng sẽ đồng hành.
PV: Nhiều người dân kỳ vọng là với việc tăng giá nước, chất lượng nguồn nước sinh hoạt thì sẽ được nâng cao. Vậy theo ông, các công ty sản xuất nước cần làm gì để nâng cao chất lượng nguồn nước đến tay người tiêu dùng?
GS.TS Nguyễn Việt Anh: Tôi nghĩ những việc này là rất xác đáng. đó là thực tế, bên sử dụng dịch vụ thì mong muốn là chất lượng dịch vụ ngày càng tốt và xứng đáng với tiền mình bỏ ra. Bên cung cấp dịch vụ thì cần có nguồn lực tài chính phù hợp để có thể duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nếu việc này mà được thông suốt, minh bạch công khai thì chúng tôi nghĩ hoàn toàn có thể tìm được tiếng nói chung. Ví dụ thông qua các kênh của người tiêu dùng hay là của Hội đồng nhân dân, qua các kênh truyền thông của thành phố. Bản thân Công ty nước sạch cung cấp những thông tin này có thể tới được người sử dụng.
Bây giờ chúng ta áp dụng các công nghệ số để đưa thêm thông tin lên trên trang web hay các ứng dụng để người dân có thể tiếp cận được. Điều này cũng giúp cho công tác điều hành được dễ dàng hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!