Trong bài phát biểu tại một hội nghị chuyên đề diễn ra ở Seoul, Bộ trưởng Lee In-young nhấn mạnh tầm quan trọng với cả hai miền Triều Tiên và Mỹ nối lại đối thoại trước cuối năm nay để mang lại "hòa bình bền vững". Ông nêu rõ: "Nhiều khả năng động lực cho tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ yếu đi do tác động của các yếu tố khác, trong đó có kế hoạch bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ sôi động vào nửa cuối năm nay, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm sau và khả năng cạnh tranh chiến lược tăng cường giữa Mỹ và Trung Quốc".
Bộ trưởng Lee In-young cũng chỉ ra rằng các sự kiện quốc tế như hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome sắp tới và Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào năm tới có thể là cơ hội quan trọng để xây dựng lòng tin và nối lại hợp tác giữa hai miền Triều Tiên.
Quan chức này cho hay: "Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên sớm đến bàn đàm phán với thái độ linh hoạt và chủ động để thảo luận về phi hạt nhân hóa, giảm nhẹ trừng phạt, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và cải thiện quan hệ liên Triều".
Trước đó, ngày 15/8, trong bài phát biểu nhân Ngày Giải phóng (Quốc khánh) trên truyền hình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề cập đến "mô hình Bán đảo Triều Tiên" góp phần vào sự thịnh vượng của toàn bộ khu vực Đông Bắc Á.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng đối với sự thịnh vượng của thế giới cũng như của hai nước Hàn-Triều. Đặc biệt, ông đã gửi thông điệp tới Triều Tiên, kêu gọi nước này đối thoại và tham gia hiện thực hóa mô hình Bán đảo Triều Tiên nói trên.
Ngày 27/7, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí khôi phục đường dây liên lạc liên Triều sau 13 tháng tạm ngừng.