Mới chỉ sau hơn 1 tuần bùng phát, dịch Covid-19 đợt này đã lây lan ra nhiều tỉnh thành trong cả nước, với nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều ca mắc có chủng virus là biến thể của Ấn Độ và Anh, mà theo các chuyên gia đánh giá là có độ lây lan gấp nhiều lần so với những biến chủng trước đó.
Và cũng chỉ trong ít ngày, đã có 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội, đặc biệt là Bệnh viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 có hơn 50 ca mắc Covid-19, trong đó có nhiều nhân viên y tế và bệnh viện đã bị phong tỏa. Điều này khiến không ít người lo lắng, bất an bởi không chỉ ở Việt Nam, mà ở bất cứ nước nào, cơ sở y tế là nơi cần phải được vững chắc nhất để điều trị, đảm bảo tính mạng của người bệnh, không chỉ là bệnh nhân Covid-19.
Trong những lần dịch trước, ở Việt Nam cũng đã có những nhân viên y tế bị mắc Covid-19 và đã có một vài bệnh viện ở Hà Nội và Đà Nẵng bị phong tỏa. Điều này khó có thể tránh khỏi vì bác sỹ cũng có nguy cơ bị lây nhiễm như mọi người, nhất là khi họ lại làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với dịch bệnh, thì nguy cơ đó lại càng cao.
Trong đợt dịch lần này, với biến chủng phức tạp, khó lường của virus SARS-CoV-2 thì nguy cơ mắc và lây nhiễm lại càng cao, không chỉ với mọi người mà với cả đội ngũ y bác sỹ. Và thực tế, chỉ trong vòng gần 10 ngày qua, đã xuất hiện nhiều ổ dịch tại các địa phương với sự lây lan khó lường, khiến cho việc truy vết, kiểm soát dịch của các lực lượng chức năng càng khó khăn, vất vả. Và cũng chỉ trong vòng từng ấy ngày, đã có nhiều nhân viên y tế ở các bệnh viện mắc Covid-19, hai bệnh viện ở Hà Nội và một số bệnh viện ở các tỉnh, thành đã bị phong tỏa.
Bệnh viện, cơ sở y tế-nơi duy nhất chăm sóc, bảo vệ, cứu mạng cho bất cứ người bệnh nào nếu bị đe dọa sẽ là thảm họa rất lớn đối với con người, nhất là trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay.
Chúng ta đã và đang chứng kiến "thảm kịch" ở Ấn Độ và nhiều nước nghiêm trọng và phức tạp với những số liệu chưa từng có tiền lệ, riêng ở Ấn Độ số ca mắc mỗi ngày vài trăm ngàn người và hàng ngàn người tử vong. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu đại dịch tới nay ở Ấn Độ đã vượt qua con số 21 triệu, trong đó hơn 230.000 người tử vong. Ở nhiều thành phố của nước này, hệ thống y tế tại đây gần như sụp đổ, đội ngũ y bác sĩ kiệt sức, trang thiết bị cho y tế thiếu trầm trọng…
Vậy nên, cùng với việc phòng chống dịch đang được các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương thực hiện ráo riết, triệt để thì việc bảo vệ những chiến sỹ áo trắng, bảo vệ thành lũy y tế là việc làm hết sức cần thiết.
Trong thời điểm như hiện nay, những chiến sỹ áo trắng cần hơn bao giờ hết là sự quan tâm, cổ vũ tinh thần đối với họ. Có những bác sỹ điều trị Covid-19 đã từng thốt lên rằng “khó khăn mấy, thậm chí hy sinh chúng tôi cũng có thể chịu đựng được, nhưng sẽ rất khó khăn khi phải chịu sự kỳ thị của mọi người đối với chúng tôi và người thân của mình”.
Với đội ngũ y bác sỹ, trước hết họ cũng là những con người bình thường. Họ cũng có nhu cầu được ở gần người thân, gia đình lúc khó khăn, dịch dã. Nhưng vì nhiệm vụ, trách nhiệm với cộng đồng xã hội họ đã phải xa gia đình, bố mẹ, vợ con. Vì thế, sự tôn trọng của xã hội đối với công việc của họ, sự quan tâm, chia sẻ của mọi người với người thân của họ lúc này là điều cần thiết, tiếp thêm sức mạnh cho những chiến sỹ áo trắng vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch.
Chia sẻ với những chiến sỹ tuyến đầu từ chính hành động của mỗi cá nhân trong xã hội, từ những việc làm rất nhỏ mà ai cũng có thể làm được là thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, các quy định về phòng chống dịch của các cơ quan chức năng, trong đó có những việc rất đơn giản là đeo khẩu trang, sát khuẩn khi ra đường và không tụ tập đông người.
Và chia sẻ với họ, cũng là tuân thủ các quy định của bệnh viện trong việc khám chữa bệnh tại chỗ và chuyển tuyến. Không để các bệnh viện, đội ngũ y bác sỹ đang căng mình cứu chữa bệnh nhân lại thêm vất vả, quá tải trong việc kiểm soát, truy soát lượng người ra vào trái quy định trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Cùng với đó, là sự động viên kịp thời cũng như cần có các giải pháp, phương án bảo vệ hiệu quả sức khỏe của đội ngũ y bác sỹ từ các cơ quan quản lý cấp trên để họ có thêm động lực, vững tin làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình.
Chỉ khi đội ngũ y bác sỹ được bảo vệ, nền y tế thực sự “khỏe”, thành lũy chống dịch vững vàng thì công cuộc phòng chống dịch Covid-19 mới thực sự hiệu quả và toàn diện./.