Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống; khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bền vững là yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm nay và các năm tiếp theo.
Trong quý 1, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng so với cùng kỳ. Nhưng vẫn có 73.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, trong quý 1/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14.100 doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4.700 doanh nghiệp.
Theo ông, các doanh nghiệp hiện nay khó khăng trong tiếp cận được nguồn vốn, không có vốn để sản xuất, đầu tư cho các hoạt động tiếp cận thị trường để mở rộng khách hàng… nên việc các doanh nghiệp rời bỏ thị trường là điều tất yếu.
"Yếu tố nữa là trong một sân chơi toàn cầu, các doanh nghiệp biết đầu tư đúng thời điểm, đầu tư vào con người, đầu tư vào sản phẩm, đi vào những thị trường ngách để phù hợp với năng lực là tốt, song nhiều doanh nghiệp thường chọn cách đối đầu với những công ty, tập đoàn lớn nên khả năng rời bỏ thị trường là điều có thể xảy ra” - ông Mạc Quốc Anh phân tích.
Cần cân nhắc một số định hướng chính sách nhằm “làm mới” động lực cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó phải tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách.
Đề cập động lực cho các doanh nghiệp phát triển bứt phá, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho rằng vẫn là vấn đề thị trường, trong đó rất quan trọng là thị trường quốc tế. Theo đó, phải tiếp cận được thị trường trong bối cảnh thế giới hiện nay đang phục hồi chưa mạnh mẽ, chúng ta phải đặt chân được vào thị trường đang nhỏ hẹp đó, để tạo ra động lực cho các doanh nghiệp có nơi tiêu thụ sản phẩm. Từ đó thì sẽ tạo ra công ăn việc làm và tạo ra nguồn lực trở lại cho doanh nghiệp phát triển.
Hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số sẽ là những động lực tăng trưởng mới, do đó việc hướng phát triển của doanh nghiệp đi theo xu thế này là cần thiết. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua "bài toán" xanh trong hoạt động sản xuất, với nhiều tiêu chí như: xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải… để tiếp tục trụ vững và phát triển được trong bối cảnh hiện nay.