Khu công nghiệp khôi phục sản xuất, thu hút người lao động trở lại làm việc08/10/2021 - 16:25:00 Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt phía nam Bộ Công Thương, dịch bệnh dần được kiểm soát, các địa phương đang khôi phục hoạt động sản xuất, nỗ lực hoàn thành đơn hàng còn dang dở cũng như để đón đầu cơ hội mới trong những tháng cuối cùng của năm 2021. Tín hiệu đáng mừng là rất nhiều người lao động đã sẵn sàng quay trở lại phân xưởng, bảo đảm thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh nơi làm việc yêu cầu.
Tổ công tác đặc biệt khu vực phía nam Bộ Công Thương cho biết, tại tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất theo các phương án bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Cụ thể, đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp, tính đến hết ngày 1/10, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã chấp thuận 10 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” được tổ chức cho 1.085/7.244 người lao động đi-về hằng ngày. Số doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” là 1.152 doanh nghiệp, với tổng số lao động tạm trú còn lại là 145.264 người. Số doanh nghiệp đang ngừng hoạt động do không thực hiện “3 tại chỗ” có nhu cầu hoạt động trở lại và được chấp thuận cho người lao động đi-về hằng ngày là 8 doanh nghiệp, tổng số lao động đi-về hằng ngày là 12.472/76.941 người. Đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất ngoài khu công nghiệp, tổng số doanh nghiệp được địa phương duyệt phương án “3 tại chỗ” là 244 doanh nghiệp, với số lao động đăng ký lưu trú là 18.243 người. Tổng số doanh nghiệp được duyệt phương án “1 cung đường 2 địa điểm” là 97 doanh nghiệp, với số lao động đăng ký lưu trú là 9.491 người. Tổng số doanh nghiệp được duyệt áp dụng cả 2 phương án là 10 doanh nghiệp với số lao động đăng ký lưu trú là 1.922 người. Tổng số doanh nghiệp tổ chức cho người lao động đi-về hằng ngày là 4 doanh nghiệp với 1.601 lao động. Đáng chú ý, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sau dịch bệnh, ngày 7/10, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản về việc bãi bỏ giấy đi đường đối với người lao động tham gia lưu thông từ nơi cư trú đến nơi làm việc trên địa bàn. Như vậy, người lao động chỉ cần đeo thẻ nhân viên, mặc đồng phục doanh nghiệp (nếu có) khi đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh. Tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra những điều kiện khá "dễ thở" khi yêu cầu người lao động sử dụng điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng PC-COVID sử dụng mã QR xác nhận tiêm chủng, nếu không có điện thoại thông minh, người lao động chỉ cần xuất trình giấy xác nhận đã tiêm vaccine (ít nhất 1 mũi và sau 14 ngày) hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 6 tháng. Tương tự tại Bình Dương, trên cơ sở quán triệt phương châm “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, từng bước mở cửa, hồi phục kinh tế, giải quyết việc làm và tổ chức thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh đang thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường thực hiện mô hình 3 xanh “nhà máy, nhà trọ và công nhân” tại khu vực vùng xanh để phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3.254 doanh nghiệp đang thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, “3 xanh” với 279.210 lao động. UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp đến ngày 15/10 phải thành lập và tổ chức hoạt động các trạm y tế lưu động theo hướng các doanh nghiệp phải tổ chức bộ phận y tế đúng theo Nghị định số 36/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Mỗi khu, cụm công nghiệp tùy theo số lượng công nhân phải lập số lượng trạm y tế lưu động phù hợp để bảo đảm vừa làm tốt các nhiệm vụ y tế, vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong doanh nghiệp. Đã có 28 chợ truyền thống khôi phục hoạt động Cùng với việc duy trì sản xuất, Tổ công tác ghi nhận, các địa phương đang tích cực mở lại chợ truyền thống trên địa bàn nhằm đáp ứng cung cầu hàng hóa trong trạng thái bình thường mới. Tại TPHCM, tính đến hết ngày 7/10, có thêm 3 chợ truyền thống tại các quận Bình Tân, Tân Bình và huyện Củ Chi mở lại hoạt động, nâng tổng số chợ đang hoạt động lên 28 chợ, chủ yếu là các ngành hàng lương thực, thực phẩm hoạt động lại. Điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền tiếp tục hoạt động ổn định, duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố và các tỉnh (trung bình từ 800-1.000 tấn thực phẩm, rau củ quả/đêm). Việc ra vào khu vực chợ đầu mối được Ban quản lý các chợ thực hiện kiểm tra khai báo y tế bằng mã QR, thực hiện 5K, test nhanh COVID-19... Siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị và 2.895 cửa hàng tiện lợi (ngày 7/10 thêm 14 cửa hàng hoạt động trở lại) phục vụ cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự kiến từ ngày 9/10, Đồng Nai sẽ cho mở lại một số hoạt động, trong đó có các dịch vụ thiết yếu như cửa hàng tạp hóa, cửa hàng sách, thiết bị văn phòng, đồ dùng, dụng cụ học tập. Hiện nay, Đồng Nai có 75/148 chợ truyền thống đủ điều kiện mở cửa, chợ đầu mối nông sản Dầu Giây duy trì hoạt động; 8/11 siêu thị và 227 cửa hàng tiện lợi mở cửa bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Tại TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã có buổi họp với sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan (Sở Y tế, Sở GTVT, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an, Ban quản lý An toàn thực phẩm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật), UBND quận Hải Châu, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng) đánh giá về hoạt động chợ đầu mối Hòa Cường sau thời gian mở cửa trở lại và thống nhất phương án tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động của chợ trong thời gian tới. Theo Chinhphu.Vn
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|