tham tử hà nội, tham tu ha noi, thue tham tu, thuê thám tử, dịch vụ thám tử, dich vu tham tu, văn phòng thám tử, công ty thám tử,

Kích cầu mùa du lịch: Bỏ tư duy ăn xổi

Chia sẻ: 

07/05/2023 - 20:19:00


Nhìn lại kỳ nghỉ lễ vừa qua, có thể thấy du lịch Việt đã bộc lộ không ít điểm yếu. Dù nhiều địa phương số lượng du khách tăng, nhưng xuất hiện không ít điểm đến nổi tiếng số lượng khách lại không như kỳ vọng do giá vé máy bay thất thường. Cùng với “rào cản” giá vé máy bay thì giá phòng khách sạn, dịch vụ ăn uống… của nhiều điểm đến cũng tăng cao cũng là nguyên nhân khiến du khách quay đầu. Để kích cầu du lịch nội địa cho mùa hè này, nếu không sớm thay đổi tư duy "ăn xổi", du lịch Việt sẽ rất khó cạnh tranh.

 

 

Chợ đêm Phú Quốc.  
Chợ đêm Phú Quốc.  

Từ câu chuyện của Phú Quốc

Kỳ nghỉ lễ vừa qua dù dài ngày nhưng điểm đến Phú Quốc (Kiên Giang) hụt hẫng vì du lịch không “bùng nổ” như kỳ vọng. Lượng khách dịp nghỉ này chỉ khoảng 180.000 lượt, giảm 40% so với năm ngoái. Tình trạng hướng dẫn viên "đói tour", thậm chí phải ngồi nhà cả kỳ nghỉ lễ vì không có khách chẳng phải chuyện hiếm. Chủ một khách sạn tại Phú Quốc cho biết đã đầu tư cả tỷ đồng trùng tu khách sạn từ vài tháng trước kỳ nghỉ lễ với kỳ vọng thu nhập đợt lễ đủ để "ăn" trong cả năm, tuy nhiên sát lễ phòng vẫn bị bỏ trống hơn 50%. Ba tuần trước kỳ nghỉ, cơ sở cũng trống khoảng 55% công suất phòng dịp lễ, trong khi một tháng trước lượng khách đặt đã lên tới 80-85%. Sau đó, khách báo hủy dần với lý do giá vé máy bay cao.

Chị Tô Bích Thuận (Hải Dương) cho biết: Giá vé máy bay đi đến Phú Quốc gần như tương đương đi Thái Lan. Giá vé cao và xuất hiện những điểm du lịch có thể đi bằng xe cá nhân là một trong những nguyên nhân khách đến Phú Quốc không đông. Một phần do kinh tế của người dân khó khăn nên hạn chế đi giá vé máy bay cao. Tôi cho rằng, kích cầu lại du lịch phải liên kết giữa các nhà hàng, khách sạn với các hãng máy bay để biết được giá như thế nào và các địa điểm du lịch cần thay đổi về mặt dịch vụ phù hợp với thu nhập của du khách.

Chị Nguyễn Hồng Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: Tôi đã mua vé cho cả gia đình 6 người đi chặng Hà Nội - Phú Quốc từ đầu tháng 4, nhưng sát kỳ nghỉ giá vé giảm khiến tôi tiếc hùi hụi, đã mua rồi thì phải đi thôi, dù vậy việc bỗng dưng mất cả chục triệu đồng đã làm cho kỳ nghỉ mất vui. Lần sau tôi sẽ phải cân nhắc thật kỹ thời điểm mua vé.

Với Phú Quốc, giá vé máy bay cũng chỉ là một phần nguyên nhân, bởi các địa điểm du lịch đảo hoang sơ đang dần bị đô thị hóa khiến khách không muốn quay lại. "Giá vé máy bay cao chỉ là một phần. Phú Quốc bây giờ có những gì? Trước đây Phú Quốc là đảo, ai cũng ao ước được đến đây. Nhưng vì phát triển nóng, Phú Quốc hiện có khác gì đô thị. Du khách đến đó không còn cảm giác là ra đảo nữa. Cùng với đó là tình trạng chặt chém quá nhiều, nên khách du lịch sợ hãi không dám đến. Vậy tại sao phải đi Phú Quốc trong khi người dân ở TPHCM và lân cận có thể lái xe đi Nha Trang, Phan Thiết, Hồ Tràm, Hồ Cốc...", anh Đỗ Hoàng, quận Phú Nhuận, TPHCM nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, người làm du lịch Phú Quốc không chịu lắng nghe ý kiến của khách hàng thì sẽ còn ế ẩm dài dài. Khi mà đi du lịch nước ngoài còn rẻ hơn trong nước, lại không bị chặt chém, đi về ai cũng vui vẻ, thì du lịch nội địa khó mà cạnh tranh nổi nếu không thay đổi mạnh mẽ.

Khách đến Phú Quốc dịp lễ 30/4 - 1/5 giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2022.  
Khách đến Phú Quốc dịp lễ 30/4 - 1/5 giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2022.  

Khắc phục điểm yếu

Trong năm 2023, du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt. Vào mùa du lịch năm ngoái, Việt Nam chứng kiến mùa hè bùng nổ với lượng khách tăng vọt vào tháng 4 (10,5 triệu lượt), tháng 5 (12 triệu lượt), tháng 6 (12,2 triệu lượt) và tháng 7 (11 triệu lượt). Nhưng năm nay, ngay từ 30/4, 1/5 thường được coi là thời điểm bắt đầu một mùa du lịch thì cú sốc tăng giá vé may bay đã khiến ngành du lịch chao đảo. Đồng thời các hãng hàng không cũng rơi vào cảnh ế ẩm.

Cụ thể, trước ngày 20/4, tại một số công ty, giá tour từ TPHCM đi Hà Nội và một số điểm đến phía Bắc trong năm ngày vào dịp lễ 30/4, 1/5  là 9,5 triệu đồng, ngang ngửa thậm chí cao hơn giá đến một số điểm đến khác ở nước ngoài. Có thể thấy, giá vé máy bay từ tăng chót vót, đến giảm đột ngột khiến du khách bức xúc hoặc có sự lựa chọn khác.

Liên quan tới giá vé máy bay tăng, giới chuyên gia du lịch cho rằng, giá vé cao có thể đẩy giá tour tăng đến 30 - 40%, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đi du lịch của du khách.

 Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỉ lệ cao nhất (hơn 80% vào năm 2019) so với đường bộ, đường biển. Do vậy, hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Để đạt mục tiêu ngành du lịch trong năm 2023 thì vai trò của hàng không là rất lớn.

Dễ nhận thấy những thách thức duy trì sức nóng của du lịch nội địa từng là cứu cánh cho du lịch Việt trong năm 2022 đang dần suy yếu khi giá vé máy bay thất thường, giá vé tàu cũng tăng, bên cạnh đó giá phòng và dịch vụ ăn uống cũng trong tình trạng “té nước theo mưa”. Đó là chưa kể sản phẩm du lịch ở các địa phương chưa được đầu tư làm mới. Từ câu chuyện của Phú Quốc cho thấy sự phát triển nóng sẽ thiếu tính bền vững. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam muốn tạo sức hút như nhiều quốc gia trong khu vực thì sớm phải có sự đổi mới một cách đồng bộ.

Đại diện hãng Lữ hành Vietluxtour nhìn nhận: Thực tế trong những ngày qua cho thấy, khách hàng thận trọng hơn rất nhiều khi quyết định mua dịch vụ, thậm chí khi thấy giá dịch vụ tăng là quyết định dời chuyến du lịch. Như vậy, làm gì để khắc phục nhược điểm, xốc lại thị trường du lịch nhằm đạt mục tiêu ngành du lịch đề ra. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Không chỉ riêng thị trường vé máy bay mà bất cứ loại mặt hàng dịch vụ nào khác nếu tăng giá quá cao thì sẽ đón nhận ngay phản ứng của thị trường, đó là sức mua giảm. Đây là lúc cả doanh nghiệp và người dân phải biết “nhìn nhau” mà đi lên. Doanh nghiệp cần tăng giá để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận nhưng nên nhớ giá cao mà không có người mua thì thậm chí không bằng giá thấp mà nhiều người lựa chọn.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng giám đốc AZA Trave so sánh: Giá tour nước ngoài không tăng mạnh như tour trong nước. Các tour Đông Nam Á tăng 15%. Các tour khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tăng không quá 20%. Trong khi đó tour trong nước có thể tăng tới 40%.

Ông Đạt cũng thông tin thêm các chương trình tour nước ngoài được trợ giá tốt bởi các điểm mua sắm. Do đó trong mỗi tour, du khách sẽ được đưa đi khoảng 4 điểm mua sắm bắt buộc. Dù mang danh nghĩa "bắt buộc", ông Đạt nhấn mạnh du khách Việt đi tour đều thích mua sắm đồ làm quà, kỷ niệm. Mặt khác tại Việt Nam, doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ từ những điểm mua sắm tương tự do nhu cầu của khách thấp. Các sản phẩm du lịch nước ngoài phong phú với nhiều điểm đến được ưa chuộng. Ngoài các tour phổ biến quanh khu vực Đông Nam Á đã mở từ năm ngoái, một số nơi yêu thích của người Việt mới mở cửa trở lại như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (gồm cả Đài Loan và Hong Kong). Trong khi phần lớn tour nước ngoài có sự trợ giá từ các điểm mua sắm. Ví dụ, chính sách trợ giá này có thể chiếm 50% giá landtour tại Thái Lan. Các điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có mức trợ giá tương đương. Châu Âu cũng có chính sách trợ giá (chiếm khoảng 10% giá tour) từ các điểm mua sắm nước hoa (Pháp), đồng hồ (Thụy Sĩ) hay kim cương (Hà Lan). Trong khi đó, chính sách từ các điểm mua sắm ở Việt Nam chỉ đủ trả "hoa hồng" cho tài xế, hướng dẫn viên...

Chia sẻ về vai trò của du lịch nội địa đối với các doanh nghiệp du lịch, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ: Trong vòng 10 năm trở lại đây, du lịch nội địa mới được chú ý đến nhưng chưa thực sự được tôn trọng. Có thể nói chúng ta coi du lịch nội địa từ trước đến nay như một hoạt động tự phát và không được điều tiết. Chính vì vậy đến bây giờ, khi khủng hoảng thì chúng ta mới hiểu du lịch nội địa mới chính là cứu cánh và chỉ khi đó du lịch nội địa mới bắt đầu phát triển thực sự. Thời gian vừa qua chúng ta cũng đã thấy rõ được mỗi khi dịch Covid-19 tương đối ổn định thì du lịch nội địa lại bắt đầu “bùng nổ”. Hướng đi đó là rất đúng đắn và phù hợp. Do đó trước mắt phải đưa ra nhiều giải pháp kích cầu du lịch nội địa cho ngành du lịch ổn định và phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia hàng không: Điều chỉnh giá vé máy bay phải được tính toán kỹ lưỡng

Kích cầu mùa du lịch: Bỏ tư duy ăn xổi - Ảnh 1

Các hãng hàng không đã mắc sai lầm lớn khi tăng giá vé máy bay đắt quá. Giá vé quá đắt nên nhiều người quyết định không đi du lịch dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 hoặc họ thay đổi phương thức di chuyển bằng phương tiện khác có giá phù hợp hơn thay vì phải trả một cái giá đắt đỏ cho chiếc vé máy bay. Ai lỡ mua vé đắt rồi thì phải chịu còn những người chưa mua, họ đã quyết định quay đầu lại với hàng không. Điều này khiến các chuyến bay dịp nghỉ lễ này rơi vào tình trạng trống chỗ. Các hãng hàng không không còn cách nào khác mới phải giảm giá.

Việc giá vé may bay đợt cao điểm nghỉ lễ năm nay đột ngột quay đầu giảm giá nghe qua tưởng là bất thường nhưng nếu phân tích kỹ đây lại là điều hoàn toàn có thể lý giải được, bởi nếu vẫn khai thác những chuyến bay nhiều ghế trống đó, đương nhiên các hãng hàng không sẽ chịu lỗ lớn. Chính bởi vậy, họ bắt buộc phải giảm giá vé để lấp đầy các chuyến bay. Đây là giải pháp duy nhất.

Mặt khác, việc giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay đột ngột giảm mạnh là một tín hiệu rất đáng mừng. Chính quy luật thị trường đã dạy cho các hãng hàng không biết việc điều chỉnh giá vé máy bay phải được tính toán thật kỹ sao cho phù hợp nhất chứ không phải cứ thích tăng bao nhiêu thì tăng. Người dân có quyền tự do lựa chọn và khi giá vé máy bay quá cao họ sẽ lựa chọn không đi. Nếu có tăng cũng chỉ nên tăng một chút so với năm cũ. Còn nếu tăng giá quá cao, thị trường phản ứng thì vừa thua lỗ vì ế vé, vừa mất uy tín với khách hàng.

Đứng trên góc độ quản lý Nhà nước, từ câu chuyên giá vé máy bay dịp nghỉ Lễ 30/4  và 1/5 năm nay đột ngột giảm do ế ẩm, có thể thấy sắp tới Nhà nước cũng không cần can thiệp vào vấn đề giá vé máy bay mà cứ để cho thị trường tự điều tiết. Các hãng hàng không sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm để các năm sau điều chỉnh giá vé máy bay cho phù hợp.

Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội: Cần sớm có những đơn vị chuyên thống kê về du lịch

Kích cầu mùa du lịch: Bỏ tư duy ăn xổi - Ảnh 2

Du lịch nội địa dịp 30/4 và 1/5 năm nay đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Kinh tế ảnh hưởng khiến du khách cân nhắc nhiều hơn trước khi chi tiền. Họ có thể chọn đi những điểm đến gần trong nước với loại hình camping, glamping có chi phí vừa phải. Các trung tâm du lịch truyền thống không còn là lựa chọn số một.

Thị trường hiện có quá nhiều rủi ro, biến động và các xu hướng du lịch mới. Do đó, để ngành du lịch phát triển chuyên nghiệp và các công ty lữ hành đưa ra dự đoán chính xác nhất, Việt Nam cần sớm có những đơn vị chuyên thống kê về du lịch. Các con số được đưa ra sẽ góp phần điều tiết luồng khách, quản lý điểm đến hiệu quả. Bản thân các công ty cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ những thống kê này để biết đầu tư một cách hiệu quả.

Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
captcha
công ty cổ phần phát triển đô thị Cổng thông tin tỉnh hải dương cổng thông tin hội đồng nhân dân

Lịch phát sóng

Giá vàng JSC
Khu vực Mua vào Bán ra
Ngoại tệ
Mã NT Mua TM Mua CK Bán
USD 23.00 23.00 23.00
SGD 17.00 17.00 17.00
JPY 159.90 161.52 169.28
GBP 29.00 29.00 30.00
EUR 25.00 25.00 26.00
CAD 17.00 17.00 17.00
AUD 15.00 15.00 15.00

Thông tin thời tiết

Dự báo thời tiết Hải Dương

Hôm nay, 25/11/2024

°C -°C

°C -°C

°C -°C
Theo TTKTTV