Bộ Công an đang đề xuất cấm dùng tay để cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Mặc dù tình trạng sử dụng điện thoại khi lái xe diễn ra tương đối phổ biến, song việc xử lý vi phạm với hành vi này không hề dễ dàng.
Thiếu tá Phạm Đức Hoàng - Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT – Công an TP. Hà Nội cho biết: "Hiện nay lực lượng CSGT đang gặp khó trong xử lý vi phạm. Cụ thể, đối với người lái xe máy, lực lượng chức năng thì còn phát hiện bằng mắt thường, còn xe ô tô bây giờ dán kính đen hết nên rất khó phát hiện xử lý. Trong khi, mức xử phạt với xe máy là 900.000 đồng và ô tô chỉ là 2, 5 triệu đồng và tước bằng lái xe 2 tháng. Mức phạt cũng tương đối thấp".
Theo Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, để xử lý dứt điểm vấn đề này, chủ yếu là ý thức của người tham gia giao thông: "Người tham gia giao thông, họ phải tự nhận thức được vấn đề này là vi phạm quy định về Luật giao thông và cũng là tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Lái xe chỉ cần mất tập trung 3 giây cũng có nguy cơ gây tai nạn giao thông rồi. Việc sử dụng điện thoại sẽ làm cho lái xe giảm sự tập trung, không xử lý kịp thời đối với các tình huống bất ngờ như, đạp phanh, đánh lái, bóp còi dễ gây ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, cần đưa lỗi sử dụng điện thoại này là một trong những lỗi cần phải xử lý nghiêm, triệt để vì đây là một trong những lỗi chính, là nguyên nhân gây ra TNGT. Áp dụng công nghệ hiện đại trong phát hiện, xử lý người vi phạm như sử dụng hình ảnh qua hệ thống camera giám sát, hình ảnh do người dân cung cấp,..."
Hệ thống xử lý vi phạm chưa đủ mạnh
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho biết, hiện nay, ý thức về an toàn giao thông của người dân Việt Nam đang dần được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Tai nạn giao thông (TNGT) vẫn là vấn đề nhức nhối, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, thường xuyên vi phạm luật giao thông.
"Một trong các biểu hiện của ý thức an toàn giao thông kém là việc sử dụng điện thoại khi lái xe. Người tham gia giao thông còn hay chủ quan, coi thường luật pháp, không nhận thức được mức độ nguy hiểm khi sử dụng điện thoại khi lái xe. Họ cho rằng chỉ sử dụng điện thoại trong thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng đến việc lái xe, nhưng thực tế chỉ cần vài giây mất tập trung cũng có thể dẫn đến tai nạn. Một số người còn cố tình vi phạm luật để tiết kiệm thời gian hoặc vì lý do cá nhân.
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, lực lượng chức năng chưa thể kiểm tra và xử lý triệt để tất cả các trường hợp vi phạm. Mức phạt hiện nay đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe được cho là chưa đủ sức răn đe. Thủ tục xử lý vi phạm còn rườm rà, khiến nhiều người vi phạm không bị xử lý nghiêm minh. Việc sử dụng điện thoại khi lái xe đã trở thành một thói quen phổ biến trong xã hội.
Nhiều người nhìn nhận hành vi này một cách bình thường, thậm chí còn học theo. Các phương tiện truyền thông chưa thực sự quan tâm đến việc tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng điện thoại khi lái xe.
Để giải quyết tình trạng này, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng: "Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao ý thức của người tham gia giao thông thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Tăng cường lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm. Nâng mức phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe. Khuyến khích sử dụng các thiết bị hỗ trợ lái xe an toàn, như hệ thống định vị GPS. Mỗi người cũng cần tự ý thức được trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông, cam kết không sử dụng điện thoại khi lái xe để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Việc sử dụng điện thoại khi lái xe là một hành vi nguy hiểm, cần được loại bỏ để đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và cộng đồng".