Làm gì để kẻ gian 'hết đất diễn'?28/03/2023 - 15:00:00 Liên tục thời gian gần đây nhiều người bị lừa đảo thông qua những cú điện thoại hay là hoạt động trên mạng xã hội. Việc không mới nhưng thực tế cho thấy đang diễn biến ngày một tinh vi, với những chiêu thức xảo quyệt. Các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo nhưng người dân vẫn “sập bẫy”. Vì sao?
Thượng tá Đào Trung Hiếu được biết đến là một chuyên gia tội phạm học, khi nói về việc gần đây dư luận hết sức lo ngại trước sự xuất hiện thủ đoạn lừa đảo xảy ra trên mạng viễn thông đã cho rằng đó là hành vi đáng lên án, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận trong xã hội. Chúng bất chấp mọi thủ đoạn để lừa đảo. Đối tượng lừa đảo tạo ra tình huống khẩn cấp, ví dụ như phải có ngay một khoản tiền để đóng viện phí cho con phẫu thuật, khiến phụ huynh không có thời gian để do dự hay kiểm tra lại thông tin. “Đó là sự tinh quái của thủ đoạn lừa đảo, khai thác tối đa các điểm yếu trong tâm lý của con người. Khi đặt ra tình huống con bị tai nạn, rất ít người còn đủ tỉnh táo để kiểm tra, kiểm chứng về mặt thông tin” - ông Hiếu nói và nhấn mạnh, mấu chốt của trò lừa đảo là có được các thông tin cá nhân của nạn nhân. Đặc trưng của tội phạm sử dụng công nghệ cao là tính ẩn danh, đối tượng lên không gian mạng đều sử dụng nick name, không dùng tên thật. Bị hại và kẻ lừa đảo không tiếp xúc trực tiếp. Ông Hiếu cũng cho rằng việc nâng cao ý thức cảnh giác của mỗi người dân là “bức tường lửa” để ngăn ngừa các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại. Nguyên tắc số một là tuyệt đối không dễ tin những gì nhìn thấy, đọc được, nghe được thông qua viễn thông nếu như không kiểm chứng. Mỗi người phải tập cho mình một kỹ năng kiểm chứng nguồn tin từ nhiều nguồn khác nhau, không dễ dãi làm theo yêu cầu của người lạ, đánh giá tính hợp lý của thông tin. “Hãy chậm lại một nhịp, đừng làm theo yêu cầu của người lạ ngay. Thời gian chậm lại để ta kiểm chứng thông tin, nếu ai cũng cẩn trọng như vậy thì tội phạm sẽ hết đất diễn”- ông Hiếu khuyến cáo. Trong vấn nạn này, các chuyên gia công nghệ cũng đưa ra lời khuyên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện thoại cho người đó trước, xác nhận lại nội dung chuyển tiền. Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến các hành vi lừa đảo cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất… Tất cả những lời khuyên ấy đều rất cần thiết, tuy nhiên trước sự xảo quyệt của tội phạm viễn thông, internet thì như vậy là chưa đủ. Người dân không phải ai cũng “sống chậm lại” được để nghi vấn, xác thực thông tin từ các nguồn khác nhau rồi có được một quyết định không sai lầm. Trong trường hợp này, trở lại câu chuyện kẻ lừa đảo dựng lên tình huống tai nạn đưa vào bệnh viện mổ gấp để cứu lấy mạng sống của đứa con, thử hỏi ông bố, bà mẹ nào lòng không như lửa đốt. Cảnh giác nhưng người dân cũng không thể cứ “dựng bức tường lửa” suốt ngày này sang ngày khác. Có nghĩa là bất cứ lúc nào cũng phải ngờ vực, cảnh giác. Cuộc sống làm sao thế được, có phải lúc nào cũng chỉ để lo đối phó với quân gian. Người có chút lòng tham bị lừa đảo đã đành, nhưng còn những người bị kẻ gian đánh vào nỗi sợ thì sao? Tự bảo vệ mình bằng kinh nghiệm, nhưng tránh được một lần chứ khó tránh được nhiều lần vì tội phạm công nghệ cao rất nhiều chiêu trò, thay đổi chiêu thức lừa đảo liên tục, làm sao tự người dân tránh khỏi. Không để người dân bơ vơ trên không gian mạng, không để họ bị lừa, sập bẫy. Muốn vậy rất cần sự vào cuộc một cách quyết liệt của cơ quan chức năng. Chỉ có cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao mới “đủ võ” trị lại bọn tội phạm mạng. Với những vụ lừa đảo bằng điện thoại về việc học sinh bị tai nạn phải nhập viện mổ cấp cứu, chỉ một thời gian rất ngắn đã lan ra một số tỉnh, thành. Người dân cũng nắm được thông tin, đã cảnh giác nhưng rồi có người vẫn có “thoát” được đâu. Người ta ngóng xem “kẻ gian” bao giờ bị bắt. Thời gian cũng đã khá lâu nhưng vẫn chưa hết hy vọng. Nói chung thì trước bất cứ loại tội phạm nào, mà ở đây là tội phạm viễn thông, mạng internet, thì cần sự nỗ lực của cả hai bên. Một bên là người dân luôn nhắc nhau cảnh giác. Còn một bên là cơ quan chức năng phải hành động mau lẹ, hiệu quả, bắt sớm, bắt được nhiều “kẻ gian” sau mỗi vụ người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền bạc. Chỉ có như vậy tội phạm mới “hết đất diễn”. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|