Lạm phát tăng thấp nhất 5 năm qua29/11/2021 - 16:08:00 Dù giá xăng dầu tăng, tiêu dùng tăng khiến CPI tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng trước, nhưng bình quân 11 tháng, CPI chỉ tăng 1,84%, thấp nhất trong 5 năm qua.
Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 2% so với tháng 12/2020 và tăng 2,1% so với tháng 11/2020. Việc giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; và các địa phương cũng đã dần trở lại với trạng thái bình thường mới khiến giá hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng, theo Tổng cục Thống kê, chính là các nguyên nhân chính làm CPI tháng 11/2021 tăng như vậy. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2021, CPI chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Cụ thể, tốc độ tăng CPI bình quân 11 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 2,47%; tăng 3,61%; tăng 3,59%; tăng 2,57%; tăng 3,51%; tăng 1,84%. Với kết quả này thì chắc chắn, lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức thấp, khoảng 2%. Mặc dù vậy, các cảnh báo về việc lạm phát sẽ tăng cao trong năm 2022 vẫn tiếp tục được đưa ra, khi giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao và khi cầu trong nước dần phục hồi. Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 11/2021, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa tính CPI, có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm hàng giảm giá. Cụ thể, Nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất, với 3,11% (làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm). Có mức tăng này chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 26/10/2021, 10/11/2021 và điều chỉnh giảm vào ngày 25/11/2021. Trong khi đó, Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 11/2021 tăng 0,46% (làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm). Việc nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng trở lại trong bối cảnh “bình thường mới” cùng với chi phí vận chuyển tăng cũng đã làm cho nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 11/2021 tăng 0,33% so với tháng trước; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,25%. Ngoài các nhóm này, một số nhóm có CPI tăng không đáng kể so với tháng trước. Đó là Nhóm bưu chính - viễn thông (tăng 0,03%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,04%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,09%). Ngược lại, Nhóm giáo dục giảm 0,92% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm. Trong tháng qua, nguồn cung dồi dào khiến giá thịt gia súc, gia cầm, thịt chế biến và thủy sản tươi sống lần lượt giảm 4,04%; 0,34%;1,55% và 0,16%, tác động đáng kể làm Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm. Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 11/2021 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy là lạm phát cơ bản bình quân đã tăng thấp hơn mức CPI bình quân chung. Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 11 và 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011. Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 11/2021 tăng 2,65% so với tháng trước; tăng 0,75% so với tháng 12/2020 và giảm 0,09% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 9,39%. Trong khi đó, Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 1,4% so với tháng 12/2020 và giảm 1,63% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 11 tháng năm 2021 giảm 1%. Theo Đầu tư
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|