Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước tới Campuchia từ ngày 21 đến 22/12. Đây là chuyến thăm Campuchia đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cũng là một trong những hoạt động đầu tiên để khởi đầu cho chuỗi các hoạt động chào mừng “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam” và kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao hai nước (24/6/1967 - 24/6/2022).
Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ láng giềng tốt đẹp; hữu nghị truyền thống; hợp tác toàn diện bền vững lâu dài. Trong bối cảnh hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm các dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, chuyến thăm Campuchia lần này của Chủ tịch nước tiếp tục khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam hết sức coi trong mối quan hệ với Campuchia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng là lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Campuchia trong 2 năm qua từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Dù Covid-19 nhưng thời gian qua, lãnh đạo hai nước vẫn thường xuyên có các cuộc tiếp xúc cấp cao bằng các hình thức phù hợp để thúc đẩy quan hệ song phương. Tháng 9 vừa rồi, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã sang Việt Nam dự cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Thongloun Sisoulith, trong đó đánh giá về tình hình hợp tác trong thời gian qua; thảo luận về phương hướng hợp tác trong thời gian tới; cùng nhất trí về tầm quan trọng của quan hệ truyền thống, đoàn kết hữu nghị, gắn bó giữa ba đảng, ba nước. Trong chuyến tham dự này, Thủ tướng Hun Sen cũng đã có các cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Một điểm nhấn hết sức tích cực trong chiều dài quan hệ hai nước, đó là trong bất kỳ khó khăn nào, Việt Nam và Campuchia luôn sát cánh hợp tác, hỗ trợ nhau vượt khó khăn. Tại nhiều sự kiện quan trọng, các thế hệ lãnh đạo Campuchia đều khẳng định luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã cùng nhân dân Campuchia giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot năm 1979.
Phát biểu tại một sự kiện đầu tháng 12 này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhắc lại sự hỗ trợ quý báu của Việt Nam và Lào, đó là năm 1979, Campuchia gặp khó khăn nhất, khi đó người dân Việt Nam và Lào cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ người dân Campuchia. Tấm lòng này cần phải khắc ghi trong lòng và phải sẵn sàng đền ơn khi nước bạn khó khăn.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV mới đây, ông Chay Navuth, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam vui mừng nhận thấy hai nước có nhiều chương trình hợp tác cụ thể, thiết thực. Đặc biệt có dự án Việt Nam tài trợ xây dựng Tòa nhà hành chính mới của Ban Thư ký Quốc hội Campuchia mà dự kiến trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự lễ động thổ công trình này. Điều này một lần nữa khẳng định sự hỗ trợ to lớn của Việt Nam dành cho Campuchia, dưới hình thức cụ thể.
Phát huy truyền thống hợp tác, hỗ trợ giữa hai nước, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam và Campuchia đã có sự hỗ trợ quý báu lẫn nhau. Theo đó, Việt Nam đã nhanh chóng hỗ trợ khẩn cấp cho Campuchia 500.000 USD tiền mặt cùng 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95. Tổng giá trị hỗ trợ 10 triệu USD. Tiếp đó, khi dịch ở Việt Nam diễn biến phức tạp, dù đất nước còn nhiều khó khăn, Campuchia đã tặng Việt Nam 200.000 liều vaccine Sinopharm, 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 khẩu trang N95, 100 máy tạo oxy và 350.000 USD tiền mặt.
Trong nhiều năm qua, hai nước cũng thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đến nay, hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên thực địa. Về thương mại và đầu tư, thương mại hai nước tăng mạnh dù gặp khó khăn đại dịch. Cụ thể là 10 tháng của năm 2021 đã tăng tới gần 88% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 8 tỷ USD. Việt Nam có gần 190 dự án đầu tư vào Campuchia còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký gần 2,9 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư vào nước này.
Việt Nam cũng thể hiện sự ủng hộ Campuchia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2022, cùng đóng góp thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, củng cố vai trò trung tâm, nâng cao năng lực tự cường của ASEAN trong ứng phó với các thách thức đặt ra.
Với kết quả hợp tác tích cực thời gian qua và tiềm năng hợp tác hai nước còn rất lớn, chắc chắn chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ mở ra những chương trình hợp tác mới, thúc đẩy hợp tác hai nước sâu sắc, toàn diện hơn./.