Đúng 7h40, buổi lễ vận hành chính thức tuyến metro số 1 được bắt đầu.

Tham dự buổi lễ có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Ngoài ra còn có đại diện Đại sứ quán và tổng lãnh sự Nhật Bản; đại diện các Bộ ngành, đơn vị của TPHCM và đông đảo người dân.  

anh 3++.jpg

Các đại biểu tiến hành nghi thức khai trương metro số 1

anh 2+.jpg

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Đại sứ Nhật Bản ITO Naoki và các đại biểu cùng tham quan, trải nghiệm tuyến metro số 1 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hôm nay tuyến metro số 1 chính thức đưa vào vận hành là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển giao thông công cộng TPHCM.

Tuyến metro số 1 đưa vào khai thác không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trong phát triển hạ tầng giao thông đô thị của Thành phố mà còn là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản sau nhiều năm nỗ lực không ngừng, vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để xây dựng và hoàn thành dự án.

“Dự án metro 1 chính thức vận hành và khai thác; chúng ta bắt đầu một chương mới trên hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại. Mỗi người dân Thành phố và các du khách sẽ tích cực ủng hộ, sử dụng và góp phần duy trì và phát huy hiệu quả tối đa của tuyến đường sắt đô thị này để metro không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là biểu tượng văn hóa, là cầu nối giữa con người và những câu chuyện đầy nhân văn. Tuyến metro số 1 sẽ trở thành một không gian công cộng hiện đại, một phần của văn hoá đô thị sống động của TPHCM, nơi bắt đầu cho những khởi nguồn mới, nguồn cảm hứng sáng tạo và những khoảnh khắc đáng nhớ”, ông Cường nhấn mạnh.

 
 

w metro nguyen hue 26 44283.jpg

Metro số 1 đưa vào khai thác chính thức sau 12 năm triển khai xây dựng. Ảnh: Nguyễn Huế.

Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được đưa vào khai thác do UBND TPHCM phê duyệt năm 2007, khởi công năm 2012. 

Metro số 1 đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (TPHCM) và TP Dĩ An (Bình Dương) với tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng. Chiều dài 19,7km (2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao) với 14 nhà ga và Depot Long Bình rộng 20 ha tại TP Thủ Đức.

14 nhà ga gồm 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son) và 11 ga nổi (Công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Bến xe Suối Tiên).

ga ngam metro 120146.jpg

Lộ trình metro số 1 qua 14 ga, đầu tiên là ga Bến Thành và cuối cùng là bến xe Miền Đông mới. 

Từ 10h hôm nay, 14 ga sẽ đồng loạt mở cửa đón khách. Sự kiện này đánh dấu quá trình sau 17 năm được duyệt, 12 năm thi công, tuyến metro số 1 chính thức lăn bánh phục vụ người dân, là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển giao thông và đô thị ở TPHCM.

Trong tháng đầu, TPHCM sẽ thực hiện chính sách miễn giá vé đi metro cùng với 17 tuyến buýt điện kết nối các nhà ga. Sau đó, hành khách đi lại sẽ mua vé với giá 40.000 đồng/người/vé/ngày, không hạn chế lượt đi trong ngày, giá vé 3 ngày là 90.000 đồng.

Giá vé tháng 300.000 đồng/người/vé/tháng; học sinh, sinh viên 150.000 đồng (giảm 50%).

w metro nguyen hue 13 113973.jpg

Người dân được đi miễn phí metro số 1 trong 30 ngày đầu TPHCM vận hành chính thức metro số 1. Ảnh: Đào Phương.

Với giá vé lượt thanh toán bằng tiền mặt là từ 7.000-20.000 đồng tùy theo chặng; giá vé lượt thanh toán không dùng tiền mặt là từ 6.000-19.000 đồng tùy chặng. Hành khách là người khuyết tật, cao tuổi... được miễn vé theo chính sách của TPHCM...

Metro số 1 có 17 đoàn tàu dài hơn 60 m, mỗi tàu 3 toa, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). 

Giai đoạn đầu, bình quân mỗi ngày có 9 tàu vận hành, chạy từ 5h đến 22h với khoảng 200 chuyến. Tần suất giãn cách mỗi chuyến 8-12 phút; hành trình từ ga cuối Suối Tiên (gần Bến xe Miền Đông mới, TP Thủ Đức) đến Bến Thành, quận 1, khoảng 30 phút. Thời gian tàu dừng ở mỗi ga trên tuyến chừng 30 giây.

w metro nguyen hue 15 113974.jpg

Tàu metro số 1 có sức chứa 930 khách. Ảnh: Đào Phương.

Theo quy hoạch trước đây Thủ tướng phê duyệt, TPHCM có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) với tổng chiều dài khoảng 220 km.

Tuy nhiên, dựa trên định hướng điều chỉnh quy hoạch thành phố, mạng lưới metro đang được TPHCM nghiên cứu mở rộng lên với 10 tuyến, dài 510 km, gấp hơn hai lần quy hoạch cũ, đảm nhận 50-60% vận tải hành khách công cộng.

TPHCM đặt mục tiêu giai đoạn từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 7 tuyến với tổng chiều dài 355 km, gồm nối dài metro số 1 và các tuyến từ số 2 đến 7.

Giai đoạn từ năm 2036 đến 2045, hệ thống metro tiếp tục được đầu tư thêm tuyến số 8, 9 và 10, đạt tổng chiều dài 510 km. Tổng mức đầu tư cho hai giai đoạn nêu trên ước tính khoảng 67 tỷ USD.