Ngày 13/2, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam ra thông báo, từ 15/2, Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay thường lệ, không thường lệ.
Việc Việt Nam cho phép mở lại các các đường bay quốc tế thường lệ như thời gian chưa có dịch COVID-19 dựa trên cơ sở nào. Đây có phải là cơ hội cho các hãng hàng không hồi phục hay chưa?
Hãng bay “thở phào”, chuẩn bị tăng tần suất
Ngay sau khi có thông báo dỡ bỏ hạn chế, trở lại hoạt động bình thường như thời điểm chưa bùng phát đại dịch Covid-19 đối với các đường bay quốc tế, các hãng hàng không đang rục rịch nâng tần suất khai thác.
Theo đại diện Vietnam Airlines, giai đoạn từ 1/1 đến trước ngày 15/2, trên cơ sở đồng ý của các nhà chức trách, hãng đã triển khai nối lại các đường bay quốc tế thường lệ đến và đi từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm: Mỹ, Australia, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Malaysia, Lào và Campuchia.
“Từ ngày 15/2 trở đi, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục khai thác các đường bay này, đồng thời tiến tới phục hồi hoàn toàn mạng bay quốc tế trên cơ sở chấp thuận của nhà chức trách tại các quốc gia, vùng lãnh thổ điểm đến và diễn biến thị trường.
Hành khách có thể dễ dàng mua vé các đường bay này trên trang web, ứng dụng di động và phòng vé, đại lý chính thức của Vietnam Airlines trên toàn quốc. Việc Việt Nam không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả thị trường từ ngày 15/2 là tiền đề thuận lợi để các hãng hàng không khôi phục, mở rộng mạng bay, chuẩn bị đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế trong thời gian tới”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.
Được biết, hiện mỗi tuần Vietnam Airlines đang khai thác 5 chuyến bay đến Australia, 7 chuyến đến Nhật, 5 chuyến bay đến Thái Lan, 7 chuyến đến Hàn Quốc, 3 chuyến đến Đài Loan, 6 chuyến đến Singapore, 2 chuyến đến Hồng Kông, 2 Lào, 5 Campuchia.
Các đường bay đến Châu Âu được hãng khai thác khá hạn chế, mỗi tuần 1 chuyến đến Anh, Pháp, Nga và 2 chuyến đến Đức.
Đường bay thẳng TP.HCM đến Mỹ đang được khai thác tuần 4 chuyến vào các ngày 4, 5, 7 và Chủ nhật. Đường bay đến Malaysia, hãng sẽ khai thác mỗi tuần một chuyến vào thứ 4, bắt đầu từ 1/3/2022.
Từ ngày 15/2 trở đi, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục khai thác các đường bay này đồng thời tiến tới phục hồi hoàn toàn mạng bay quốc tế trên cơ sở chấp thuận của nhà chức trách tại các quốc gia, vùng lãnh thổ điểm đến và diễn biến thị trường.
“Việc Việt Nam không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả thị trường từ ngày 15/2 là tiền đề thuận lợi để các hãng hàng không khôi phục, mở rộng mạng bay, chuẩn bị đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế trong thời gian tới,” đại diện Vietnam Airlines cho hay.
Còn theo đại diện Bamboo Airways, hãng đã hoàn tất công tác chuẩn bị mở cửa toàn phần mạng bay quốc tế. Ngoài các kế hoạch, nguồn lực để khai thác đến các thị trường khách nội địa trọng điểm được lên kế hoạch từ sớm, hãng cũng có phương án cho kế hoạch tái khai thác và tăng tần suất các đường bay quốc tế từ đầu năm 2022.
Ông Đặng Tất Thắng - Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, Bamboo Airways lên kế hoạch mở rộng quy mô mạng bay lên gần 80 đường bay nội địa, gần 40 đường bay quốc tế, đáp ứng tối đa nhu cầu di chuyển của khách hàng trong và ngoài nước, đồng thời góp phần kết nối Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Ở khu vực châu Á, Bamboo Airways hiện khai thác các đường bay Hà Nội-Narita (Nhật Bản), Hà Nội-Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Hà Nội-Incheon (Hàn Quốc). Với khu vực châu Âu, trong tháng Hai này, hãng dự kiến triển khai các chặng bay kết nối Hà Nội-Frankfurt (Đức), Thành phố Hồ Chí Minh-Melbourne (Australia) và chặng Hà Nội-London (Anh) vào tháng Ba”, ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, hãng cũng dự kiến tăng tốc triển khai các đường TP. Hồ Chí Minh-Frankfurt (Đức), Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh-Munich (Đức) trong giai đoạn sắp tới. Tại Đông Nam Á, Bamboo Airways lên kế hoạch triển khai đường bay TP. Hồ Chí Minh-Singapore trong tháng Ba và dự kiến phát triển nhiều đường bay tới các nước khác trong khu vực dịp hè 2022.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng đang gấp rút hoàn thiện công tác chuẩn bị để sẵn sàng mở rộng các đường bay thường lệ đến Lào, Camphuchia và đặc biệt là Mỹ ngay khi các điều kiện cho phép.
Phía Vietjet cũng cho biết, từ ngày đầu tiên của năm 2022, Vietjet khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ, phục vụ nhu cầu giao thương, du lịch cũng như trở về quê hương trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Chỉ trong 10 ngày đầu tiên của năm mới 2022, Vietjet đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường lệ kết nối Việt Nam với Tokyo (Narita, Nhật Bản), Singapore, Seoul (Incheon, Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) với tần suất từ 1 chuyến khứ hồi/ tuần và dự kiến sẽ tiếp tục tăng tần suất trong thời gian tới.
“Vietjet sẽ tiếp tục tăng tần suất các đường bay quốc tế thường lệ kết nối Việt Nam với các điểm đến mà hãng đã khai thác để đáp ứng nhu cầu đi lại giữa Việt Nam và các quốc gia. Theo đó, tần suất đường bay đến Hàn Quốc, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) dự kiến tăng lên 5 chuyến khứ hồi/ tuần, 4 chuyến khứ hồi/ tuần cho các đường bay đến Nhật Bản, Singapore và 3 chuyến khứ hồi/ tuần đến Bangkok, Thái Lan. Đồng thời, hãng cũng lên kế hoạch khai thác trở lại các đường bay đến những quốc gia khác trong khu vực cũng như xa hơn đến Ấn Độ, Nga...”, đại diện Vietjet khẳng đinh.
Tạo điều kiện tối đa cho khách nhập cảnh Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, đến tháng 12/2021, Việt Nam đã công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng và mẫu hộ chiếu vaccine của 78 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi tới Bộ Ngoại giao. Việc công nhận hộ chiếu vaccine nhằm giúp những người có giấy tờ này được sử dụng hợp lệ và giảm thời gian cách ly y tế theo quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Theo ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khi mở cửa hoàn toàn, cần gỡ bỏ những vướng mắc, khó khăn về các điều kiện không cần thiết để khách du lịch vào Việt Nam. Hộ chiếu vaccine thực chất là công cụ để chứng minh đã tiêm chủng đầy đủ và không cần mang theo giấy tờ gì khác để xác nhận đã tiêm 2 mũi vaccine.
Đặc biệt, trong khi giấy tờ gồm nhiều ngôn ngữ sẽ làm phức tạp và các nước sẽ khó để quản lý thông tin dữ liệu, thì hộ chiếu vaccine có ưu điểm là chuẩn hóa.
“Nếu không có hộ chiếu vaccine, có thể dùng bản cứng như thông thường. Tôi cho rằng, hộ chiếu vaccine không phải là phương án duy nhất và không thể thay thế”, ông Thắng bày tỏ.
Theo ông Đinh Việt Thắng, việc khôi phục lại các đường bay quốc tế như trước dịch là nhiệm vụ cấp bách được Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, Cục hàng không Việt Nam đã xây dựng lộ trình, bắt đầu thí điểm mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ 1/1/2022, qua quá trình thực hiện, chúng tôi thường xuyên tổng kết, đánh giá và đến thời điểm hiện tại Cục Hàng không thấy là thời điểm chín muồi để thực hiện mở cửa lại hàng không quốc tế bình thường sau 1 tháng thí điểm mở lại.
“Việc từ 15/2 chúng ta khôi phục lại hoàn toàn tất cả các hoạt động bay và quyền bay của các hãng hàng không mà chúng ta đã thỏa thuận với các hãng hàng không, các nhà chức trách hàng không, các quốc gia trước dịch. Như vậy là các hãng hàng không có quyền bay với số lượng chuyến bay vận tải cung ứng như trước dịch và các hãng hàng không mới có quyền xin phép mở các chuyến bay mới miễn là hiệp định hàng không cho phép giữa 2 quốc gia”, ông Thắng khẳng định.
Ông Thắng cũng nhìn nhận, trong khó khăn thì đây lại là cơ hội, không có cơ hội nào tốt hơn bây giờ, và các hãng hàng không của chúng ta chuẩn bị nguồn lực tốt để tiếp cận ngay cơ hội mở cửa trở lại này./.