Năm ga hàng hóa đường sắt tốc độ cao kết nối cảng biển, khu kinh tế06/12/2024 - 08:11:00 Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bố trí 5 ga hàng, kết nối thuận lợi cảng biển, khu kinh tế.
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, theo đó trên tuyến bố trí 5 ga hàng gồm: Thường Tín, Vũng Áng, Chu Lai, Ninh Hòa và Trảng Bom. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cho biết, các quy hoạch của thành phố Hà Nội và quy hoạch ngành đường sắt đã quy hoạch ga Ngọc Hồi là ga đầu mối phía Nam của hệ thống đường sắt khu vực Hà Nội. Ga hàng hóa trước đây dự kiến đặt kết hợp trong tổ hợp Ngọc Hồi tại huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, theo Báo cáo cuối kỳ quy hoạch chi tiết mạng lưới đường sắt đầu mối khu vực thành phố Hà Nội và quy hoạch Thủ đô đang được thẩm định, định hướng quy hoạch ga hàng phía Nam nằm ngoài đường vành đai 4 (tại vị trí Thường Tín). Do đó, trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, tư vấn dự kiến bố trí ga hàng hóa tại khu vực huyện Thường Tín. Vị trí chính xác sẽ tiếp tục được cập nhật trong giai đoạn triển khai tiếp theo, sau khi các quy hoạch liên quan được phê duyệt. Ga Vũng Áng dự kiến đặt tại xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Theo tư vấn, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định khu kinh tế Vũng Áng là trung tâm động lực tăng trưởng trong các định hướng lớn tạo đột phá phát triển của tỉnh. Do đó, dự kiến đặt ga hành khách kết hợp ga hàng hóa để kết nối khu kinh tế Vũng Áng với hàng hóa vận chuyển chủ yếu hướng đến là pin và thiết bị linh kiện điện tử; đồng thời kết nối liên vận quốc tế với tuyến đường sắt kết nối đi Lào - tuyến Mụ Giạ - Vũng Áng - Viêng Chăn. Ga Chu Lai dự kiến đặt tại xã Tam Hiệp và Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, gần đường ĐT.617. Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển khu kinh tế Chu Lai trở thành động lực phát triển của tỉnh. Do đó, đặt ga hàng hóa Chu Lai để kết nối cảng biển và các khu công nghiệp trong khu kinh tế. Nhà ga này sẽ phục vụ kết nối với khu vực Cảng hàng không Chu Lai (đã được định hướng quy hoạch hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế), các cảng biển Kỳ Hà, Dung Quất… Ga Ninh Hòa, dự kiến đặt tại xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Lý giải đề xuất vị trí ga, tư vấn cho hay, theo đồ án quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển khu vực vịnh Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển mới của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp, đồng thời phát triển các cảng hàng hóa gắn với trung tâm logistics để phục vụ cho cả khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Bên cạnh đó, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040 và tầm nhìn đến 2050, tại xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh có đề xuất định hướng vị trí ga đường sắt tốc độ cao và khu vực lân cận có định hướng các tuyến đường sắt đô thị kết nối vào Đầm Môn (Bắc Vân Phong) và khu vực trung tâm Ninh Hòa (Nam Vân Phong). Do đó, dự kiến đặt ga hàng hóa Ninh Hòa để kết nối cảng biển, các trung tâm logistics và tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại. Ga Trảng Bom, dự kiến đặt tại xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ga hàng đặt tại vị trí này để kết nối tàu hàng của tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt khu đầu mối TP Hồ Chí Minh tại ga Trảng Bom. Từ đây có thể kết nối cảng biển theo tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, liên vận quốc tế kết nối Campuchia theo tuyến Sài Gòn - Lộc Ninh, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài; đi miền Tây theo tuyến Sài Gòn - Cần Thơ… Theo Báo Giao Thông
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|