tham tử hà nội, tham tu ha noi, thue tham tu, thuê thám tử, dịch vụ thám tử, dich vu tham tu, văn phòng thám tử, công ty thám tử,

Nga phản ứng thế nào nếu phương Tây cho phép Ukraine vượt lằn ranh đỏ cuối cùng?

Chia sẻ: 

27/09/2024 - 08:15:00


Giới quan sát cho rằng, việc cho phép sử dụng tên lửa bên trong lãnh thổ Nga sẽ báo hiệu một "sự leo thang lớn" và các thành viên NATO lo ngại Tổng thống Vladimir Putin sẽ không bỏ qua hành động vượt lằn ranh đỏ này như những lần khác.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang tham gia vào nỗ lực lớn nhất từ trước đến nay nhằm có thêm tên lửa tầm xa của phương Tây cũng như quyền sử dụng chúng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Ông Zelensky trình bày "kế hoạch chiến thắng" của Ukraine tới Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào 25/9 (giờ Mỹ) và sau đó gặp các ứng viên tranh cử tổng thống là bà Kamala Harris và ông Donald Trump.

Kế hoạch chấm dứt xung đột mà cựu Tổng thống Trump tuyên bố có thể thực hiện ngay cả trước khi nhậm chức vào tháng 1/2025 trong trường hợp giành chiến thắng vào tháng 11/2024 - đã được người đồng hành tranh cử của ông là ông JD Vance vạch ra, chủ yếu giống với tầm nhìn của Moscow chứ không phải của Kiev.

 

Nỗ lực của Ukraine diễn ra trong bối cảnh NATO vẫn chia rẽ về cách tiếp cận với cuộc xung đột này, đặc biệt là về việc sử dụng vũ khí tầm xa.

Ukraine hiện đang sử dụng tên lửa tầm xa, chiến đấu cơ và các loại vũ khí hạng nặng do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu của Nga ở Crimea cũng như các khu vực khác nằm dưới sự kiểm soát của Moscow bên trong Ukraine.

Kế hoạch chiến thắng của Tổng thống Zelensky

Tổng thống Zelensky vẫn chưa cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về kế hoạch này nhưng ông hy vọng nó sẽ mang lại "một kết thúc công bằng cho hành động gây hấn của Nga với Ukraine". Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông muốn thuyết phục các đồng minh của Kiev từ bỏ sự do dự trong việc sử dụng tên lửa để tấn công các tài sản của Nga bên ngoài Ukraine, đồng thời nhấn mạnh "chúng ta đang tiến gần hồi kết xung đột" hơn dự kiến.

Hướng tiến cận của Tổng thống Zelensky trong cuộc xung đột cho đến nay bao gồm việc thúc đẩy hỗ trợ quân sự và tài chính rộng rãi hơn, đảm bảo tư cách thành viên NATO, nhấn mạnh đến nhu cầu cần đòi lại tất cả các vùng lãnh thổ ở Ukraine do Nga kiểm soát và ủng hộ nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Nga.

Các yếu tố quan trọng khác trong các yêu cầu của Ukraine còn xoay quanh việc buộc các nhà lãnh đạo Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động trong xung đột và đảm bảo an toàn hạt nhân.

Các lực lượng của Kiev đã đột kích vào Kursk hồi đầu tháng 8 để làm gián đoạn tuyến tiếp tế và chuyển hướng quân đội Nga khỏi các tiền tuyến ở phía Đông Ukraine. Tuy nhiên, Moscow đã tiến hành phản công để giành lại lãnh thổ của mình trong khi vẫn tiếp tục tiến vào Ukraine.

Tại sao tên lửa lại là vấn đề lớn?

Ukraine muốn có thêm tên lửa tầm xa ATACMS từ Mỹ. Hệ thống này có thể bắn tên lửa đạn đạo mang theo bom chùm với tầm hoạt động lên tới 300km. Điều này có nghĩa là chúng có thể tấn công các căn cứ quân sự và đường băng của Nga mà từ đó Moscow đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ của Ukraine, cũng như các thị trấn, thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng.

Tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh phóng từ máy bay cũng có thể nhắm tới các mục tiêu sâu bên trong nước Nga vì chúng có tầm bắn lên tới 250km. Các tên lửa Scalp của Pháp cũng có khả năng tương tự.

Nếu yêu cầu của Ukraine về tên lửa được chấp nhận thì trước hết nó sẽ ảnh hưởng đến các khu vực trong phạm vi 200km từ tiền tuyến Ukraine với hầu hết các mục tiêu gồm các trung tâm hậu cần như các điểm tiếp nhiên liệu và đạn dược, địa điểm chỉ huy và kiểm soát, các khu vực tập kết quân đội, các nút giao vận tải, sân bay và căn cứ hải quân, ông Justin Crump, CEO công ty tình báo Sibylline và là cựu sĩ quan quân đội Anh cho hay.

"Nguy cơ tấn công gia tăng trên một khu vực rộng lớn sẽ buộc các hệ thống phòng thủ của Nga phải phân tán mỏng hơn, đòi hỏi phải phân bố các chuỗi hậu cần vào những địa điểm nhỏ hơn để di chuyển, cũng như tăng thời gian máy bay Nga thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu", chuyên gia này nhận định với Al Jazeera.

Lập trường của NATO về việc hỗ trợ tên lửa cho Ukraine

Một số quan chức NATO đã ủng hộ nỗ lực của Ukraine nhằm tiếp nhận thêm tên lửa tầm xa và sử dụng chúng trên lãnh thổ Nga, trong đó có Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đã hối thúc NATO và Mỹ cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa để sử dụng bên trong nước Nga, trong khi Cộng hòa Séc không nghĩ là Ukraine phải đối mặt với bất kỳ hạn chế nào về việc sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp.

Trong khi đó, Mỹ và Anh cho biết họ đang cân nhắc ý tưởng này. Dù vậy, ông Zelensky xác nhận vẫn chưa có đèn xanh nào được bật từ các cường quốc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Mối lo ngại chính của phương Tây là xung đột có thể leo thang đáng kể bởi Moscow đã cảnh báo rõ rằng việc sử dụng tên lửa bên trong nước Nga sẽ tương đương với việc NATO trực tiếp tham gia vào xung đột.

Robert David English, Phó Giáo sư về chính sách đối ngoại quốc tế và phân tích quốc phòng tại Đại học Nam California khá chắc chắn rằng Ukraine sẽ không được phép sử dụng tên lửa phương Tây để nhắm vào các mục tiêu kinh tế như các nhà máy lọc dầu và cảng biển.

"Những động thái như vậy sẽ gây ra nhiều thương vong cho dân thường và NATO lo ngại Ukraine sẽ liều lĩnh hoặc tìm cách mở rộng xung đột cũng như lôi kéo NATO tham gia trực tiếp hơn", ông Robert David English nói với Al Jazeera.

Đức đã kiên quyết từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine, phản ánh lập trường thận trọng của Berlin về việc leo thang. Tên lửa hành trình bay thấp này có tầm bắn 500km và phù hợp để tấn công các mục tiêu bị chôn vùi hoặc được bảo vệ. Đây sẽ là tên lửa mạnh nhất của phương Tây mà Ukraine sử dụng nếu sau này Đức xem xét lại cách tiếp cận thận trọng của mình.

Hầu hết các đồng minh NATO khác đã chọn cách không đưa ra lập trường công khai về việc liệu tên lửa có nên được sử dụng bên trong nước Nga hay không, có thể do mức độ nhạy cảm của vấn đề.

Một số quốc gia quan trọng nhất trong nhóm này có Pháp và Italy, những đối tác sản xuất tên lửa Storm Shadow của Anh sử dụng hệ thống dẫn đường do Mỹ sản xuất. Cả 4 quốc gia phải đồng ý trước khi tên lửa có thể được sử dụng ở tầm bắn tối đa,

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận duy trì quan hệ với cả hai bên trong xung đột. Ankara đã cung cấp cho Ukraine UAV, xe bọc thép và các loại hỗ trợ quân sự khác, trong đó có các thiết bị chiến thuật nhưng không ủng hộ họ có lập trường hung hăng hơn. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình.

Nga sẽ phản ứng như thế nào?

Ông English nhận định việc cho phép sử dụng tên lửa bên trong lãnh thổ Nga sẽ báo hiệu một "sự leo thang lớn" và các thành viên NATO lo ngại rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ không bỏ qua việc vượt qua "lằn ranh đỏ" này như những lần khác.

"Nga có thể phản công theo nhiều cách, từ việc tấn công vào các mục tiêu của Ukraine đến phá hoại vệ tinh hoặc hệ thống thông tin liên lạc dưới nước của phương Tây", chuyên gia này đánh giá, đồng thời nhận định, theo lập trường của Moscow, NATO đã tham gia vào xung đột khi họ trang bị vũ khí, huấn luyện lực lượng và cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine.

"Trên thực tế, theo luật chiến tranh, sự hỗ trợ này đã khiến Mỹ trở thành một bên trong xung đột bởi họ đang trực tiếp tạo điều kiện cho các cuộc tấn công vũ trang. Hiện nay Mỹ hoặc phủ nhận hoặc đơn giản là không bình luận về sự hỗ trợ đó cho Ukraine nhưng chúng ta đều biết Kiev không sở hữu vệ tinh tình báo hay các đội UAV giám sát tầm cao".

Tuy nhiên, chuyên gia Crump thuộc Sibylline thì cho rằng Nga đang cố gắng làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine và gieo rắc sự do dự cũng như lo ngại trong số các đồng minh của Kiev bằng những lời đe dọa liên tục về các lằn ranh đỏ.

"Cuối cùng, Điện Kremlin biết họ không chiến đấu với toàn bộ NATO và cũng không đủ khả năng làm vậy. Thay vào đó, chiến lược là chia rẽ, gây hiểu lầm và phá hoại mà không tham gia vào một cuộc chiến công khai. Mục đích là làm suy yếu liên minh và làm tê liệt quá trình ra quyết định, đặc biệt yếu tố hạt nhân biến cuộc xung đột trở thành một tình huống căng thẳng hơn", cựu sĩ quan quân đội Anh bình luận.

Theo VOV
Ý kiến bạn đọc
captcha
Tin cùng chuyên mục
công ty cổ phần phát triển đô thị Cổng thông tin tỉnh hải dương cổng thông tin hội đồng nhân dân

Lịch phát sóng

Giá vàng JSC
Khu vực Mua vào Bán ra
Ngoại tệ
Mã NT Mua TM Mua CK Bán
USD 23.00 23.00 23.00
SGD 17.00 17.00 17.00
JPY 159.90 161.52 169.28
GBP 29.00 29.00 30.00
EUR 25.00 25.00 26.00
CAD 17.00 17.00 17.00
AUD 15.00 15.00 15.00

Thông tin thời tiết

Dự báo thời tiết Hải Dương

Hôm nay, 27/09/2024

°C -°C

°C -°C

°C -°C
Theo TTKTTV