Ngành du lịch: Hóa giải khó khăn về nhân lực09/11/2024 - 09:24:00 Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỷ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học… để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói.
Số liệu từ Trung tâm Thông tin Du lịch thuộc Cục Du lịch quốc gia cho thấy, trong 10 tháng của năm 2024, có hơn 14,1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 10/2024, Việt Nam đón 1,42 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch lữ hành trong 10 tháng qua ước đạt 50.300 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Vừa thiếu, vừa yếu... Trong 10 thị trường lớn của du lịch Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất, với 3,7 triệu lượt khách, chiếm 26,4%. Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2 với 3 triệu lượt khách, chiếm 21,3%. Thị trường Đài Loan xếp thứ 3 với 1 triệu lượt khách. Mỹ xếp thứ 4 với 637.000 lượt. Nhật Bản xếp thứ 5 với 585.000 lượt... Nguồn khách châu Âu tăng trưởng khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh (tăng 20,4%), Pháp (tăng 30,5%), Đức (tăng 23,6%). Bên cạnh đó là Italy (tăng 54,5%), Tây Ban Nha (tăng 23,3%)… Một tin vui với ngành du lịch Việt Nam đó là trong năm 2024, Việt Nam vinh dự đón nhận 3 giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á"; "Điểm đến di sản hàng đầu châu Á" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á", qua đó cho thấy, vị thế và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế ngày càng lớn. Với những lợi thế, tiềm năng này dự kiến từ nay đến cuối năm lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, qua đó hoàn thành mục tiêu đón từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Những thông tin trên cũng vừa là tin vui cũng vừa là nỗi lo đối với doanh nghiệp (DN) ngành du lịch. Bởi lẽ trong khi lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ thì DN du lịch lại lâm vào tình trạng thiếu và yếu nhân lực. Chia sẻ về nỗi lo về chất lượng nhân lực, đại diện Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng khách ở các thị trường đều tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, điều làm đơn vị lữ hành này đau đầu chính là thiếu tới 20% nhân lực tại nhiều bộ phận nhưng hiện chưa tuyển dụng được lao động chất lượng cao. Thực tế, tại Phiên giao dịch việc làm tháng 10 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức rất nhiều DN lữ hành đã trực tiếp đến “sàn” với mong muốn tuyển được số nhân lực như kỳ vọng. Tuy nhiên rất nhiều trong số đó phải ra về tay không khi không tuyển được nhân sự. Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phần lớn các DN dịch vụ du lịch đều tuyển dụng nhân lực với mức lương khá hấp dẫn từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng chưa kể chính sách phúc lợi. Thậm chí ở nhiều vị trí quản lý mức lương tính theo USD nhưng việc tuyển dụng không dễ dàng. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hiện ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%. Dự báo đến năm 2025, cả nước sẽ có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1,3 - 1,45 triệu buồng. Như vậy, năm 2025, khối cơ sở lưu trú du lịch cần khoảng hơn 800.000 người, năm 2030 là hơn 1 triệu người, trung bình cần bổ sung 60.000 lao động/năm. Tuy vậy, hàng năm các trường chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên, trong đố tỷ lệ được đào tạo chuyên nghiệp chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch. “Việt Nam đang thiếu hụt nhân sự du lịch, nhất là lao động có chuyên môn cao, đặc biệt là vào dịp cao điểm như nghỉ lễ, Tết. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch, nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định” - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan thông tin. Nỗ lực nâng chất nguồn nhân lực Việc thiếu nhân lực không chỉ làm giảm chất lượng phục vụ mà còn cản trở tiến độ phát triển và triển khai các sản phẩm mới, trong đó có du lịch trải nghiệm và các tour cao cấp – những loại hình dịch vụ ngày càng được ưa chuộng. Chia sẻ về khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực du lịch chất lượng, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, dù Ninh Bình chỉ cách Hà Nội không xa và có nhiều tiềm năng thu hút nhân lực, nhưng tuyển dụng những vị trí quản lý cấp trung và cấp cao vẫn là một thách thức. Theo ông Mạnh, các sinh viên tốt nghiệp dù có bằng đại học nhưng trình độ ngoại ngữ, kiến thức về văn hóa, lịch sử... vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Đây là lý do tại sao nhà trường và DN cần phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình đào tạo. Giới chuyên gia cũng nhận định, sự liên kết đào tạo giữa DN, nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu, thách thức phát triển ngành du lịch Việt Nam hiện nay. Trong đó nhà trường và DN cần bắt tay nhau để có sự đột phá và bền vững trong đào tạo du lịch. Đề cập đến tầm quan trọng của việc liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á) PGS.TS Dương Đức Thắng cho rằng, nhân lực du lịch hiện nay đòi hỏi không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Chính vì vậy, việc đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành du lịch. Dẫn chứng, ông Dương Đức Thắng cho biết, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch khi ra trường thậm chí không cạnh tranh được với những sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục và du lịch cần phải có những chuẩn mực riêng trong đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế để các cơ sở đào tạo có định hướng xây dựng phương thức đào tạo phù hợp. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều địa phương đã liên kết với các tổ giáo dục du lịch quốc tế để đặt hàng đào tạo những ngành nghề có nhu cầu. Đơn cử như tại Hà Nội, để hỗ trợ DN phục hồi nguồn nhân lực, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất UBND TP Hà Nội chú trọng đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tổ chức giáo dục du lịch quốc tế theo hướng lựa chọn những ngành nghề hợp tác giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức, chương trình dạy và học đảm bảo đa dạng, linh hoạt về hình thức truyền tải thông tin, sử dụng công nghệ mới trong quá trình giảng dạy; Tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội. “Yếu tố quan trọng nhất chính là tăng cường liên kết “3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội” - bà Giang nhấn mạnh. Song hành với các DN đào tạo nguồn nhân lực, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao năng lực quảng bá, hợp tác, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt từ khu vực tư vào phát triển du lịch, qua đó phát triển nhân lực ngành du lịch. Cán bộ quản lý nhà nước về du lịch có trách nhiệm định hướng nghề nghiệp, dự báo nhu cầu, khuyến khích và thúc đẩy quá trình xã hội hóa đào tạo, phát triển nhân lực ngành du lịch. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|