Theo trang The Guardian (Anh), vào năm 2019, đỉnh phía nam của dãy núi Kebnekaise đã tụt xuống vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các ngọn núi cao nhất ở Thụy Điển sau khi 1/3 sông băng tan chảy. Đỉnh núi này có lớp băng tuyết dày bao phủ, nên khi nhiệt độ tăng mạnh, lớp băng tan chảy khiến đỉnh núi này không còn giữ được độ cao như cũ. Trong khi đó, đỉnh núi phía bắc của dãy Kebnekaise, chỉ toàn là đá, không có sông băng nên vẫn giữ được độ cao cũ và hiện là đỉnh núi cao nhất ở quốc gia Bắc Âu này.
“Vào ngày 14/8, các nhà nghiên cứu tại Trạm Bghiên cứu Tarfala đã đo được đỉnh phía nam của dãy Kebnekaise có độ cao 2.094,6 mét so với mực nước biển. Đây là chiều cao thấp nhất được ghi nhận kể từ khi tiến hành nghiên cứu từ những năm 1940”, Đại học Stockholm cho biết trong một tuyên bố hôm 17/8.
Trong khi đó, vào giữa những năm 1990, đỉnh phía nam của dãy Kebnekaise có độ cao lên tới 2.118 mét so với mực nước biển.
Theo các nhà khoa học, mức giảm độ cao đỉnh điểm và sự thay đổi diện mạo của đỉnh núi không chỉ do nhiệt độ không khí tăng mà còn do điều kiện gió thay đổi, ảnh hưởng đến việc tích tụ tuyết trong mùa đông.
Các nhà nghiên cứu cho biết những thay đổi này phản ánh sự ấm lên lâu dài của khí hậu Thụy Điển. Một báo cáo gần đây của hội đồng khí hậu Liên hợp quốc cho biết tình trạng ấm lên toàn cầu đã khiến các dòng sông băng tan chảy chưa từng có và gần như vượt khỏi tầm kiểm soát.
Dãy Kebnekaise nằm cách vòng Bắc Cực khoảng 150 km về phía bắc của dãy núi Scandinavian, trải khắp các vùng rộng lớn của miền bắc Na Uy và Thụy Điển, và là một phần của vùng Laponia, một trong những Di sản Thế giới được công nhận tại Thuỵ Điển.
Khu vực Bắc Âu vừa trải qua một đợt nắng nóng bất thường, nhiệt độ tại một số khu vực cao gần mức kỷ lục, tới 34 độ C. Một số vùng của Thụy Điển cũng ghi nhận nền nhiệt độ cao trong tháng 6 vừa qua. Tính nhiệt độ trung bình trên cả nước, tháng 6 vừa qua Thụy Điển trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng thứ 3 ở nước này.