Những chuyến tàu “ma” chạy xuyên đêm ở Đức14/12/2024 - 08:04:00 Do thiếu ga đỗ, nhiều chuyến tàu ở Đức phải chạy quanh thủ đô Berlin vào ban đêm dù không có khách, gây lãng phí nguồn lực và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lái tàu.
Không có khách vẫn… chạyNhững ngày đầu tháng 12, báo Der Tagesspiegel đăng tải thông tin cho biết công ty đường sắt Đức Deutsche Bahn đã vận hành nhiều chuyến tàu không người đi vòng quanh thủ đô Berlin. Có khoảng 5-6 tàu liên thành phố (ICE) đi vòng quanh trong đêm dù không hề có hành khách trên tàu. Nhiều người ví đó là những chuyến tàu "ma". Lý do là không có đủ ga đỗ cho các đoàn tàu. Thủ đô Berlin nằm ở cực Đông Bắc nước Đức và có nhiều tuyến đường sắt đường dài kết thúc ở thủ đô. Do đó, rất nhiều chuyến tàu kết thúc ở đó vào buổi tối và khởi hành vào buổi sáng, song lại không có đủ đường ray cố định để đậu tàu. Đường ray trong và xung quanh thành phố khá bận rộn và một số chuyến tàu chở khách vẫn chạy vào ban đêm. Vì vậy, các tàu cao tốc ICE của Deutsche Bahn buộc phải tiếp tục di chuyển đến đường ray rảnh rỗi. Khi được hỏi về thông tin trên, người phát ngôn của Deutsche Bahn nhận định đây là "quy trình hoạt động hoàn toàn bình thường". Song nhiều ý kiến cho rằng việc cho tàu chạy không hành khách vô định suốt đêm không chỉ gây lãng phí nguồn điện mà còn gây quá tải. Nhân viên lái tàu ban đêm không thể phục vụ hành khách thường xuyên vào ban ngày. Thiếu trầm trọng lái tàuThực tế trên làm trầm trọng thêm một vấn đề tồn tại từ lâu: Tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao. Tạp chí Wirtschaftswoche dẫn thông tin từ Hiệp hội Lái tàu Đức (GDL) cho biết, ước tính ngành đường sắt nước này thiếu 1.200 nhân viên lái tàu trên khắp đất nước dù mỗi năm có thêm 1.000 nhân viên lành nghề khác được bổ sung. Với định hướng chuyển lưu lượng giao thông sang đường sắt, Đức cần thêm ít nhất 5.000 người lái tàu mỗi năm. Đây chỉ là một trong rất nhiều vấn đề mà hệ thống đường sắt từng là niềm tự hào của nước Đức đang đối mặt. Những năm gần đây, hệ thống này cùng đơn vị vận hành Deutsche Bahn (DB) đã khiến nhiều hành khách bức xúc vì tình trạng quá tải, hoãn hủy chuyến thậm chí thường xuyên phải tạm dừng để bảo trì, sửa chữa. Theo báo DW (Đức), tình trạng tàu chậm, hủy chuyến xảy ra ngày càng tăng. Riêng năm ngoái, chưa đến 2/3 chuyến tàu đường dài tới địa điểm đúng giờ, là con số thấp kỷ lục. Đến mức, một chuyến tàu được coi là đúng giờ nếu bị chậm dưới 6 phút. Tình hình tài chính của DB cũng không mấy khả quan. Trong nửa đầu năm nay, công ty đã báo cáo khoản lỗ hơn 1,2 tỷ euro, tổng nợ hiện lên tới khoảng 34 tỷ euro. Theo DW, những rắc rối của DB một phần xuất phát từ nhiều thập kỷ bị bỏ bê và thiếu đầu tư. "Vấn đề là Đức đã bỏ bê cơ sở hạ tầng đường sắt quá lâu", bà Sabrina Wendling, thành viên tổ chức vận động phi lợi nhuận về cải thiện vận tải đường sắt Pro-Rail Alliance, có trụ sở tại Berlin cho biết. Trong ba thập kỷ qua, cơ sở hạ tầng đường sắt tại Đức đã phải chịu áp lực ngày càng tăng. Trong khi lưu lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển bằng tàu hỏa tăng vọt, hạ tầng lại bị thu hẹp. Ông Andreas Knie, nhà nghiên cứu về vận tải tại Trung tâm Khoa học xã hội Berlin (WZB), cho rằng thực trạng này là do lựa chọn chính sách ưu tiên vận tải đường bộ hơn đường sắt. Trong nhiều thập kỷ, Đức đã ưu tiên cơ sở hạ tầng đường bộ. Đầu tư nhiều hơn vẫn chưa đủChính phủ Đức mong muốn thúc đẩy vận tải bằng tàu hỏa thay vì ô tô để đạt được các mục tiêu về khí hậu và cắt giảm khí thải nhà kính, do đó đã cam kết sẽ tăng gấp đôi vận tải hành khách bằng tàu hỏa vào năm 2030, tăng tỷ lệ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt lên 25%. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã công bố kế hoạch rót hàng tỷ euro vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường sắt, bao gồm đại tu hàng nghìn km đường ray cũng như cầu, nhà ga và thiết bị tàu hỏa lỗi thời. Tháng trước, DB khởi động giai đoạn đầu tiên của chương trình cải tạo quy mô lớn, bắt đầu bằng các công trình nâng cấp đoạn đường dài 70km nối TP Frankfurt và TP Mannheim. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính phủ hiện tại đang đầu tư nhiều hơn vào mạng lưới đường sắt so với chính phủ tiền nhiệm nhưng chưa đến mức thực sự cần thiết để hiện đại hóa, mở rộng toàn bộ mạng lưới. Mặt khác, tăng thêm đầu tư mà không có cải cách cơ cấu và thay đổi tổ chức của DB thì không thể giải quyết được tình trạng quá tải của cơ sở hạ tầng đường sắt. DB là một công ty hoàn toàn do Nhà nước sở hữu, nhưng lại hoạt động như một công ty tư nhân. Theo Báo Giao Thông
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|