Kei Sato cảm thấy nhẹ nhõm sau khi cáng của anh được nâng lên xe cứu thương.
Anh cho biết sau hơn một năm làm việc với khối lượng công việc tương đương với 3 người tại một công ty Nhật Bản, tâm trí và cơ thể của anh cuối cùng đã nổi loạn.
“Tôi nhớ rất rõ,” Sato nhớ lại. “Tôi vừa thuyết trình xong và đột nhiên cảm thấy rất mệt. Trước đây, tôi từng bị sỏi thận và ban đầu tôi nghĩ căn bệnh đó lại tái phát, nhưng tình trạng nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn nên tôi đã gọi xe cấp cứu.”
Sato được phẫu thuật thận ngay lập tức và bác sỹ thông báo rằng anh phải nằm viện ít nhất 10 ngày.
Sato nói: “Tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì rằng tình trạng của tôi là do căng thẳng trong công việc gây ra,” Sato nói và yêu cầu không sử dụng tên thật của mình khi vẫn ở lại công ty. “Tôi đã được cấp trên giao quá nhiều trách nhiệm và không có nhân viên hỗ trợ nào. Đó thực sự là một cơn ác mộng.”
Sato cho biết anh thường xuyên có mặt ở văn phòng trước 8 giờ sáng và thường không về cho đến 11 giờ đêm.
Theo SCMP, trải nghiệm đó của Sato không phải là chuyện gì bất thường ở Nhật Bản.
Ngày 13/10, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã công bố Sách Trắng, trong đó đề cập tới thời gian làm việc của người dân nước này thường kéo dài một cách "tàn nhẫn." Và điều này có mối liên hệ mật thiết với chứng trầm cảm và karoshi (thuật ngữ chỉ việc tử vong do làm việc quá sức).
Tổng cộng 2.968 người ở Nhật Bản đã chết vì các vụ tự tử do karoshi gây ra vào năm ngoái, tăng từ 1.935 người vào năm 2021.
Sách Trắng của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng đã liên kết karoshi với số giờ làm việc, với 10,1% nam giới làm việc ít nhất 60 giờ một tuần và 4,2% phụ nữ làm việc trên 60 giờ mỗi tuần.
Karoshi có thể xảy ra do sức khỏe kém, với 803 người nộp đơn xin chính phủ bồi thường vào năm ngoái vì các bệnh về não hoặc tim do căng thẳng trong công việc gây ra. Con số đó tăng từ 753 trường hợp vào năm 2021. Và mức cao nhất là 938 trường hợp từ năm 2000.
Nhưng giới chuyên gia cho rằng những trường hợp được báo cáo với cơ quan y tế này có thể chỉ là một phần nhỏ so với con số thực và họ lo ngại hơn về sự gia tăng đột ngột số vụ tự tử vào năm ngoái.
Khối lượng công việc đặc biệt khó khăn đối với nam giới ở độ tuổi 40 và phụ nữ ở độ tuổi 20. Khoảng 13,2% nam giới ở độ tuổi 40 và 4,9% phụ nữ ở độ tuổi 20 làm việc ít nhất 60 giờ một tuần.
Con số này cao hơn ở những người tự kinh doanh, với 15,4% nam giới tự kinh doanh và 7,8% phụ nữ làm việc ít nhất 60 giờ.
Nghiên cứu cũng tìm thấy mối tương quan giữa số giờ làm việc và chứng trầm cảm, với 26,8% nam giới và phụ nữ làm việc hơn 60 giờ một tuần tin rằng họ đang mắc một dạng trầm cảm hoặc lo lắng nào đó.
Bill Cleary, Giám đốc của tổ chức tư vấn TELL Lifeline có trụ sở tại Tokyo, thừa nhận cảm thấy có phần “bất lực” trước tình trạng mà các chính trị gia, công ty và cá nhân đều biết là vấn đề nghiêm trọng từ giữa những năm 1980 nhưng vẫn chưa thực hiện được các giải pháp hiệu quả.
Ông nói: “Tôi có cảm giác rằng phần lớn điều này có liên quan đến đại dịch, khi mọi người trở nên cô lập về mặt xã hội và ít có khả năng gắn kết tình bạn và các mối quan hệ hơn.”
“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tương tác xã hội giúp cải thiện bệnh huyết áp cao, bệnh tim. Nhưng nếu chúng ta bị cô lập cùng lúc với khối lượng công việc tăng lên, thì có thể hiểu được tại sao số lượng các trường hợp karoshi nhiều hơn,” ông nói thêm.
Ông cho rằng tác động của đại dịch đặc biệt nặng nề hơn xuất phát từ quan điểm của người Nhật Bản đối với công việc. Ông nói khách hàng đã nói với chúng tôi rằng lòng trung thành của họ chủ yếu dành cho công ty và gia đình chỉ đứng thứ hai.
Makoto Watanabe, giáo sư về truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo ở Eniwa, cho biết có quá ít thay đổi tại nơi làm việc ở Nhật Bản và nhiều công ty đang mắc kẹt trong “kỷ nguyên bong bóng” những năm 1980.
“Tôi đến từ ‘thế hệ kỷ băng hà việc làm,’ những người bắt đầu tìm kiếm việc làm vào đầu những năm 1980, ngay sau khi bong bóng kinh tế vỡ tung và mọi thứ trở nên ảm đạm,” ông nói.
Ông cho biết: “Cấp trên của chúng tôi đã tận hưởng sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những năm 1970 và 1980 và không muốn thay đổi bất cứ điều gì.” “Nhưng chính sách tiền lương ngày càng trì trệ và có ít người làm việc hơn nên mọi người phải làm việc chăm chỉ hơn và lâu hơn.”
Hơn 30 năm kể từ khi bong bóng vỡ vào đầu những năm 1980, Bill Cleary tin rằng người lao động Nhật Bản cần tìm lại sự cân bằng và giữ gìn sức khỏe tinh thần của mình.
Ông nói: “Lời khuyên của tôi là mọi người hãy nhìn vào bên trong bản thân để có thể quyết định những điều nằm trong tầm kiểm soát của mình.”
Ông khuyên mọi người hãy tránh xa tất cả những tin tức xấu trên mạng xã hội, hãy tập thể dục thường xuyên, ngủ ngon và nói chuyện với bạn bè và gia đình.
"Chúng ta phải thay đổi mọi thứ để có hy vọng, bởi nếu không, tình trạng sẽ ngày càng tuyệt vọng," Cleary nhấn mạnh./.