Hơn 4h ngày 13/7, tại km10+900, quốc lộ 34 (đoạn thuộc thôn Tạm Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, Hà Giang) xảy ra vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng lấp ô tô khách 16 chỗ khiến 12 người tử vong, 4 người bị thương.

Nơi đang nguy cơ cao sạt lở sau mưa lớn, nên hạn chế xe khách chạy đêm

Ngay khi đến hiện trường, đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị địa phương khẩn trương rà soát các điểm có nguy cơ cao sạt lở trong thời gian tới để cảnh báo và có giải pháp khắc phục phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên xảy ra sạt lở đất vùi lấp người, nhà cửa, phương tiện lưu thông trên đường.

Trước đó, ngày 30/7/2023, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tại thời điểm xảy ra sạt lở, xe khách 45 chỗ đang chạy trên đèo đã bị đất đá sạt lở đẩy trôi vào hộ lan, rất may không rơi xuống vực.

Nhìn từ thực tế các vụ việc đau lòng đã xảy ra, các chuyên gia khí tượng lưu ý, sạt lở đất thường xảy ra ở khu vực vùng núi sau thời gian mưa lớn kéo dài. Đây là loại hình thiên tai nguy hiểm do tính bất ngờ, khó dự báo chính xác thời điểm xảy ra, chỉ có thể cảnh báo khu vực nguy cơ cao.

Phản hồi đến VietNamNet sau vụ sạt lở đất làm 12 người chết thương tâm, bạn đọc Nguyễn Bình cho rằng, ở khu vực phía Bắc, mùa mưa lũ thường kéo dài 3 tháng. Trong 3 tháng đó, có những đợt cảnh báo mưa rất lớn ở vùng núi, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đây là những ngày "báo động đỏ" mà các đơn vị vận tải hành khách cần biết để điều chỉnh kế hoạch chạy xe, không nên vận chuyển hành khách xuyên đêm qua những nơi nguy cơ cao về sạt lở.

Cùng quan điểm, bạn đọc Đức Thắng nhìn nhận, ngày thường lái xe xuyên đêm đã khó quan sát. Khi thời tiết xấu, mưa lớn, đường vùng núi chắc chắn là nơi có nguy cơ cao về sạt lở đất đá. "Vì thế, các nhà xe nên hạn chế chạy xe đêm ở thời điểm này", bạn đọc Đức Thắng bày tỏ.

Khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống của tài xế là yếu tố quyết định?

Nhiều bạn đọc cũng bày tỏ quan điểm về kỹ năng xử lý tình huống của tài xế khi gặp trường hợp sạt lở đất. 

Bạn đọc Đặng Xuân Thanh cho rằng, đi đường vùng núi, khi thấy đất đá sạt lở thì không nên tiến tiếp, cần lùi xe và tránh xa. Việc xử trí này phụ thuộc vào các bác tài có kinh nghiệm đi đường rừng núi. 

Từng nhiều năm gắn bó với lĩnh vực vận tải hành khách, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng, từ vụ sạt lở đất ở Hà Giang đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm với cách xử lý tình huống với các tài xế.

Người lái xe trên đường phải có kỹ năng quan sát, nhất là nhận biết bất thường trên cung đường cầm lái. 

"Chúng ta phải xác định con người là trên hết. Đôi khi người lái xe khách trong những tình huống cấp bách buộc phải lựa chọn phương án thiệt hại ít hơn để bảo toàn mạng sống của số đông", ông Hà nói.

w 9c61ffb4b63814664d29 424.jpg

Hiện trường vụ sạt lở đất ở Hà Giang. Ảnh: Hồ Phan

Trước câu hỏi có nên hạn chế xe khách chạy đêm trên những cung đường đang cảnh báo nguy cơ cao về sạt lở sau mưa lớn, ông Hà khẳng định, dù chạy ban ngày hay ban đêm thì vẫn đòi hỏi kỹ năng xử lý của tài xế khi sự cố xảy ra.

“Doanh nghiệp của chúng tôi quy định không lái xe qua 24h và không được khởi hành trước 4h, đây là khung giờ không an toàn, hay xảy ra tai nạn giao thông. Chúng tôi không thể chiều theo nhu cầu của khách hàng nhưng thực ra đó lại là cách bảo vệ tính mạng của hành khách. 

Tuy nhiên, đây chỉ là nguyên tắc của doanh nghiệp chứ không thể đưa vào quy định cứng áp dụng cho tất cả các nhà xe. Bởi vì việc này còn liên quan đến tuyến đường xe chạy dài hay ngắn, ví dụ xe chạy tuyến Bắc - Nam thì không thể yêu cầu hạn chế chạy đêm, hay xe có cung đường lên tới vài trăm km cũng không thể bắt họ ngày chạy, đêm dừng và chờ sáng hôm sau đi tiếp…”, ông Hà phân tích. 

Vì thế, ông Hà vẫn nhấn mạnh đến vai trò, ý thức, kỹ năng của lái xe khi xử lý các sự cố. Kỹ năng này phải được ứng xử linh hoạt, phù hợp mọi lúc, mọi nơi, mọi địa hình, mọi biến đổi của thời tiết. 

Theo đó, những tài xế thường lái xe trên cung đường miền núi khi qua suối cũng phải quan sát để có phương án đi qua; cần phải thường xuyên nghe dự báo thời tiết để biết tuyến đường mình đi có thể gặp thiên tai. Tất cả những dự báo này đều có thể tìm kiếm qua điện thoại.