Phải thuyết phục được người dân khi thu phí ôtô vào nội đô02/11/2021 - 08:52:00 Chuyên gia cho rằng để Hà Nội thực hiện thành công việc thu phí xe vào nội đô, TP cần chứng minh được tính cần thiết, hiệu quả và quan trọng nhất là sự minh bạch của đề án.
"Hà Nội chưa đưa ra được các định lượng cụ thể về tính hiệu quả của đề án, rất khó để thuyết phục người dân về tính khả thi của dự án", TS Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông) nói về đề xuất lập 87 trạm thu phí ôtô vào nội đô của Hà Nội. Đây là nội dung được Sở GTVT Hà Nội đưa ra trong lộ trình quản lý phương tiện cá nhân, hướng đến giảm ùn tắc giai đoạn 5 năm tới. Song, ý tưởng này gặp nhiều ý kiến trái chiều khi đưa ra vào thời điểm cả xã hội đang khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo chuyên gia, 3 vấn đề lớn mà Hà Nội cần sớm giải đáp cho người dân đối với đề án là tính thiết thực, khả thi của dự án; sự minh bạch trong thu và sử dụng nguồn phí và biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Chưa tính toán cụ thể về tính khả thiTrao đổi với Zing, TS Phan Lê Bình nhìn nhận việc ấn định mức phí đối với phương tiện cá nhân là công việc tương đối nhạy cảm vào thời điểm này. Mức phí phải đủ cao để điều chỉnh được thói quen đi lại của người dân, nhưng không nên quá cao vì dễ gây bức xúc, tạo tâm lý phản đối. Với việc đầu tư xây dựng trạm thu phí, lắp đặt công nghệ thu phí không dừng, nhận diện biển số, ông Bình cho rằng mức phí cao giúp đáp ứng việc vận hành cũng như duy trì chất lượng hoạt động của các trạm thu phí. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng mấu chốt kế hoạch là tính toán chi tiết về lưu lượng phương tiện sau điều chỉnh, hiệu quả của việc thu phí ra sao vẫn chưa được Hà Nội đưa ra. Với một kế hoạch có tác động trực tiếp đến "túi tiền của người dân", đề án cần được đánh giá một cách cẩn trọng, chi tiết hơn. "Tiêu chí về giảm mật độ phương tiện, giảm tắc đường phải được đưa ra dựa trên lộ trình đã công bố. Với đề án này, các tiêu chí không thể làm định tính mà cần phải được định lượng rõ ràng. Ví dụ như với 30 trạm, 50 trạm, 87 trạm thì giảm được bao nhiêu phương tiện", TS Lê Bình nói.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết mức phí sẽ được tính toán trên cơ sở kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống. Dự kiến mức thu phí thấp nhất khoảng 50.000 đồng/lượt, mức cao nhất dự kiến 100.000 đồng. “Việc thu phí chỉ khả thi khi đã đáp ứng được điều kiện về xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan đến thu phí. Đảm bảo số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu phương tiện giao thông", ông Viện nói trong cuộc trao đổi với báo chí về đề án hôm 30/10. Tuy nhiên, những con số đo lường mức độ hiệu quả của đề án, lãnh đạo ngành GTVT Hà Nội vẫn chưa đưa ra được. Mức phí hướng đến nhóm thu nhập trung bình - caoÔng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng ý tưởng thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô đã được Hà Nội, TP.HCM tính đến từ cách đây 6-7 năm. Điểm chung của hai thành phố là siêu đô thị lớn nhất cả nước và cũng là nơi tập trung nhiều ôtô cá nhân nhất tại Việt Nam. Về mức phí 100.000 đồng/lượt cho ôtô con đi qua trạm thu phí vào giờ cao điểm, ông Thanh cho rằng hợp lý. Mức này đủ cao để có thể tác động đến thói quen đi lại của người dân, đặc biệt người sử dụng ôtô. "Người sử dụng ôtô là nhóm thu nhập trung bình, cao thậm chí rất cao. Mức phí 100.000 là hợp lý để tác động đến quyết định có cần lưu thông vào nội đô giờ cao điểm hay không. Với nhóm thu nhập trung bình, họ phải tính đến đổi phương tiện hoặc từ bỏ chuyến đi", ông Thanh phân tích. Ông Thanh đồng tình với Sở GTVT khi mức phí điều chỉnh linh hoạt cho từng loại phương tiện, khung giờ cao - thấp điểm và miễn giảm vào ngày nghỉ, ngày lễ. Việc này giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân, điều chỉnh tích cực thói quen đi lại. "Nếu không muốn mất phí nhiều, người dân hoàn toàn có thể đi sớm hoặc trễ hơn khung giờ cao điểm hoặc chuyển sang đi buýt. Mục tiêu của việc thu phí không phải lợi nhuận mà là điều chỉnh lưu lượng phương tiện cho từng khung giờ bằng các biện pháp kinh tế", chuyên gia nói. Còn đối với nhóm thường xuyên phải di chuyển qua lại từ khu vực ngoại thành vào nội đô, ông Thanh cho rằng TP sẽ phải có chế độ miễn giảm, tương tự như vé tháng đối với xe buýt.
Một điều nữa nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị TP chú trọng là sự minh bạch trong câu chuyện chuyện thu phí và quản lý, sử dụng số tiền thu được. Ông nhấn mạnh để người dân chấp thuận và ủng hộ kế hoạch này, TP cần thông tin một cách đầy đủ, chi tiết về mức phí, lộ trình thực hiện cũng như sử dụng nguồn tiền phí thế nào cho minh bạch. Người dân cũng cần được giải thích rõ ràng sự cần thiết, hiệu quả của việc thu phí cũng như lợi ích của họ là gì. Với số lượng hàng trăm nghìn ôtô đang lưu thông tại Hà Nội, ông Thanh cho rằng lượng phí thu được có thể rất lớn. TP cần có chính sách rõ ràng đối với số tiền này, như tái đầu tư vào hạ tầng giao thông, nâng cấp hệ thống phương tiện công cộng. Người dân cần thấy rằng số tiền họ nộp vào ngân sách nhằm phục vụ cho chính họ. "Nói đến thu tiền của người dân là phải hết sức thận trọng, thu làm sao phải để người dân tâm phục khẩu phục", ông Thanh nhấn mạnh. Theo Sở GTVT Hà Nội, đối tượng thu phí là ôtô đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, trừ phương tiện được miễn phí như xe ưu tiên, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, ôtô vận tải hàng hóa... Theo lãnh đạo Sở GTVT, mức phí cụ thể và chính sách miễn giảm sẽ được UBND Hà Nội nghiên cứu và duyệt trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp trong năm 2024. Người sử dụng phương tiện cần có trách nhiệm mở tài khoản và gắn thiết bị thu phí không dừng. TP sẽ có quy định truy thu đối với lái xe không nộp phí và phạt người cố tình không nộp phí cũng như trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, quản lý và vận hành. Theo Zing
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|