Phát biểu sau khi Lầu Năm góc công bố quyết định trên, ông Antonov cho rằng "hành động của Washington chỉ gây thêm đau khổ và chết chóc cho con người trong cuộc xung đột ở Ukraine”.
Nhà ngoại giao Nga cũng cáo buộc
Mỹ “tài trợ cho các kế hoạch khủng bố”, bao gồm cả vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào cầu Crimea hồi đầu tháng khiến một cặp vợ chồng người Nga thiệt mạng và con gái 14 tuổi của họ bị thương.
Phản ứng mạnh mẽ của Nga được đưa ra ít giờ sau khi Mỹ chính thức công bố một gói hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine trị giá 400 triệu USD, trong đó có cả hệ thống phòng không và tên lửa chống tăng.
Theo một tuyên bố của Lầu Năm góc, đợt viện trợ quân sự mới của Mỹ bao gồm cả đạn bổ sung cho tên lửa Patriot và hệ thống tên lửa đất đối không tân tiến NASAMS, tên lửa phòng không vác vai Stinger và tên lửa chống tăng Javelin, Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao HIMARS, cũng như đạn pháo và súng cối.
Trong gói viện trợ này còn có 32 xe bọc thép Stryker, máy bay không người lái Hornet và các thiết bị quân sự khác.
Mỹ triển khai gói viện trợ này bằng cách sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống (PDA), cho phép Chính phủ Mỹ chuyển các vật phẩm và dịch vụ từ kho dự trữ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Mỹ đã đóng vai trò là nhà tài trợ chính về viện trợ quân sự cho Kiev với các gói trị giá lên tới hơn 43 tỷ USD. Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng vũ khí mà phương Tây chuyển đến Ukraine sẽ chỉ làm kéo dài cuộc xung đột và cho thấy sự can dự trực tiếp của các NATO vào cuộc chiến này.
Mới đây nhất, ngày 19/7, Mỹ cũng đã công bố viện trợ an ninh bổ sung trị giá khoảng 1,3 tỷ USD cho Ukraine. Gói này bao gồm vũ khí phòng không, máy bay không người lái (UAV) và đạn dược.
Lầu Năm Góc cho biết việc công bố này là sự khởi đầu của quá trình ký kết hợp đồng nhằm cung cấp thêm các vũ khí ưu tiên cho Ukraine.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói viện trợ nói trên một ngày sau cuộc họp trực tuyến của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine - bao gồm các đồng minh hỗ trợ Ukraine - trong bối cảnh quân đội Ukraine đang tiến hành cuộc phản công trong cuộc xung đột với Nga.
Trong tài khóa 2023, trên cơ sở chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh cho Ukraine (USAI), Lầu Năm Góc đã cung cấp hơn 10,8 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong 7 gói riêng biệt. Gói mới công bố là gói thứ 8. Trong tài khóa trước kết thúc vào ngày 30/9/2022, Washington đã chi 6,3 tỷ USD để mua sắm vũ khí cho Ukraine.