Quốc hội bàn cơ chế đặc thù phát triển mạnh mẽ 4 tỉnh, thành22/10/2021 - 15:32:00 Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, việc xây dựng cơ chế đặc thù cho các tỉnh, TP Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế để có lực phát triển mới hơn.
Sáng nay (22/10), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, TP Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là những tỉnh, thành có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển các địa phương này. Giải thích vì sao 4 tỉnh này lại thí điểm cơ chế đặc thù, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hải Phòng là một trong tam giác phát triển phía bắc gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, một trong những cực tăng trưởng phía Bắc. Thời gian gần đây, Hải Phòng phát triển bứt phá mạnh mẽ cả về tăng trưởng GDP, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, nông thôn mới. Hải Phòng xây dựng nông thôn mới đều theo tiêu chuẩn nâng cao, đầu tư cho 1 xã khoảng 135-180 tỷ đồng. Những huyện có khả năng lên quận còn đầu tư mạnh hơn… Chủ tịch Quốc hội thông tin thêm, 9 tháng đầu năm nay mặc dù cả nước tăng trưởng thấp nhưng Hải Phòng vẫn tăng trưởng 12,23%. Cả nước phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2030 đạt 5.000 – 7.000 USD thì Hải Phòng đặt mục tiêu đến 2030 vượt mức 16.000 USD. Do đó nhu cầu phát triển của Hải Phòng rất lớn. “Tầm nhìn của Hải Phòng xác định không còn là cực tăng trưởng nữa mà là động lực tăng trưởng của khu vực và động lực tăng trưởng của cả nước. Hải Phòng phấn đấu là một trong những thành phố hoàn thành sớm nhất mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành đô thị có tầm cỡ, vị trí trong khu vực”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đây Bộ Chính trị có nghị quyết đưa Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương. Quá trình thực hiện nghị quyết này, tốc độ phát triển rất tốt. Nhưng đặc thù của Thừa Thiên Huế là nông thôn, hạ tầng và sức phát triển rất khó khăn nên khó đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Chính trị có quyết sách mới xây dựng tỉnh này thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương. Thành phố di sản với cốt lõi là cố đô Huế nên tiêu chí về dân số không nhất thiết giống như các thành phố trực thuộc Trung ương khác. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ cho sự phát triển của thành phố di sản. Đối với Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội kể lại: “Bác Hồ vào thăm nơi đây nhiều lần, đều nói ‘đất rộng, người rộng, người đông, của cải nhiều, chỉ thiếu sự sắp đặt và thu xếp’. Cụ nói điều này từ năm 1951 trên đường đi xuống Sầm Sơn”. Do đó, Thanh Hóa phấn đấu trở thành một trong tứ giác phát triển phía Bắc gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Thanh Hóa. Bên cạnh đó, có khu động lực kinh tế là Nghi Sơn, nhưng miền tây Thanh Hóa rất khó khăn. Nghệ An cũng tương tự như Thanh Hóa, diện tích của Nghệ An lớn nhất, dân số đứng thứ 4 cả nước. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế đặc thù cho 4 địa phương này là để có lực phát triển mới hơn. Có cơ chế tăng thu nhập để thu hút người tài Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cơ chế chính sách đặc thù phải thực sự cố gắng đổi mới tư duy, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mới gọi là đột phá.
“Đột phá mà cái gì cũng chờ Trung ương, đợi Trung ương thì khó. Đột phá chủ động nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói. Ông Trần Thanh Mẫn nhắc đến việc vừa qua một số địa phương làm không đúng, có những sai phạm về nguyên tắc của tập thể, cá nhân, điển hình là liên quan dự án, đất đai, đã có hàng loạt cán bộ thuộc diện Trung ương và tỉnh quản lý bị xử lý kỷ luật. Vì vậy, phải làm sao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội cho chặt chẽ. ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nhấn mạnh, quan trọng là làm sao từng địa phương có cơ chế tốt để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt được thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đặc biệt là quan tâm đến bộ máy, có cơ chế tăng thu nhập để thu hút người tài vì đó mới là dư địa bền vững và có thể nhân rộng cho cả nước. ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) hy vọng các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo cú hích và động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Ông ủng hộ cơ chế đặc thù về đất đai nhưng lại băn khoăn về tác động của chính sách này trong thời gian dài chứ không chỉ trong 5 năm thí điểm. ĐBQH dẫn chứng việc chuyển đổi đất rừng tác động thế nào đến môi trường trong 5 năm khó có thể đánh giá được. Vì vậy, cơ chế về đất đai, đặc biệt đất rừng, cần đánh giá kỹ hơn.
Theo VietnamNet
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|