Quy định mới thúc đẩy phát triển hạ tầng số Việt Nam27/12/2024 - 08:54:00 Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), Nghị định 163 mới được Chính phủ ban hành, tạo hành lang pháp lý thực thi các chính sách của Luật Viễn thông, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng số Việt Nam, hạ tầng của nền kinh tế số và xã hội số.
Trao đổi tại tọa đàm 'Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh' diễn ra ngày 26/12 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Phong Nhã bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí thời gian tới sẽ truyền thông mạnh mẽ Nghị định 163 ngày 24/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông. Việc Nghị định 163 được ban hành là một sự kiện quan trọng với lĩnh vực viễn thông, nhất là việc thúc đẩy phát triển hạ tầng số và các dịch vụ thời gian tới. Nghị định tạo hành lang pháp lý thực thi các chính sách của Luật Viễn thông; tạo điều kiện thúc đẩy thị trường viễn thông, phát triển dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy cạnh tranh; quản lý phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông tiên tiến, hiện đại, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các ngành khác; góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng số Việt Nam. Thông tin với phóng viên VietNamNet, đại diện Cục Viễn thông cho hay, quy định về cấp phép viễn thông là một trong những điểm mới của Nghị định 163 ngày 24/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông. Cụ thể, về phân loại dịch vụ viễn thông, Nghị định bổ sung một số dịch vụ viễn thông mới để phù hợp với quy định của Luật Viễn thông năm 2023 và thực tiễn phát triển của công nghệ. Các dịch vụ viễn thông được bổ sung gồm dịch vụ truyền dẫn cho phát thanh, truyền hình; dịch vụ truyền dẫn cho kết nối máy tới máy; dịch vụ cho thuê toàn bộ hoặc một phần mạng viễn thông. Chính phủ giao Bộ TT&TT nhiệm vụ ban hành danh mục dịch vụ viễn thông trong từng thời kỳ. Nghị định 163 cũng quy định về điều kiện cấp phép với giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng thuộc trường hợp cấp phép nhóm; quy định thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép viễn thông và các mẫu biểu để các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện; quy định các trường hợp được phép gia hạn 1 năm khi giấy phép viễn thông đã được cấp có thời hạn bằng thời hạn tối đa; Quy định danh mục dịch vụ viễn thông áp dụng hình thức đăng ký và thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông; điều kiện cung cấp dịch vụ viễn thông theo hình thức đăng ký và quy trình thủ tục đăng ký, thông báo trên nguyên tắc đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường... Cũng liên quan đến vấn đề cấp phép viễn thông, Nghị định 163 còn quy định yêu cầu với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam để bảo đảm an ninh, quốc phòng và với doanh nghiệp viễn thông tham gia thỏa thuận thương mại. Bên cạnh đó, các quy định về quản lý hạ tầng viễn thông tại Nghị định 163 cũng có nhiều điểm mới. Theo đó, Nghị định quy định chi tiết nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, cung cấp thông tin, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch này trên cơ sở nâng cấp, kế thừa quy định hiện hành. Với việc hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông, Nghị định mới quy định UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai kế hoạch hạ ngầm và chỉnh trang đường cáp viễn thông tại địa phương. Quy định các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thực hiện ngầm hóa theo kế hoạch được phê duyệt theo nguyên tắc bảo đảm tối đa việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về viễn thông và xây dựng. Đồng thời, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông. Về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, Nghị định 163 quy định thẩm quyền giải quyết việc chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trong trường hợp các doanh nghiệp viễn thông không thống nhất được (trừ vấn đề về giá). Việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông tích cực giữa các doanh nghiệp viễn thông trên nguyên tắc khuyến khích việc chia sẻ để tiết kiệm chi phí triển khai mạng viễn thông, đồng thời phải bảo đảm phù hợp với pháp luật về cạnh tranh, pháp luật về tần số vô tuyến điện. Bên cạnh đó, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông còn có nhiều điểm mới về quản lý thông tin thuê bao di động; quản lý thị trường viễn thông; quản lý 3 dịch vụ mới gồm trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet – OTT viễn thông. Đáng chú ý, Nghị định mới quy định những nội dung về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức nước ngoài cung cấp 3 dịch vụ mới theo nguyên tắc “quản lý nhẹ”. Lý giải rõ hơn về nguyên tắc “quản lý nhẹ”, đại diện Cục Viễn thông phân tích: Dịch vụ trung tâm dữ liệu chỉ yêu cầu đăng ký, 2 dịch vụ điện toán đám mây và OTT viễn thông chỉ yêu cầu thông báo. Quy định cho phép doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây. Quy định này sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây ở Việt Nam. Ngoài ra, theo Nghị định, sẽ không thu phí quyền và không yêu cầu đóng góp Quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông với các dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và OTT viễn thông. Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|