Không chỉ có lợi ích kinh tế, nhặt hạt dẻ còn là thú vui của nhiều người
Như một đặc ân của núi rừng, mùa dẻ chín ở TP Chí Linh mang lại nhiều cảm xúc đan xen cho người dân nơi đây bởi đã từng có thời họ quay lưng, thờ ơ với cây dẻ nhưng hiện tại họ lại trân trọng, gìn giữ loại cây rừng này.
Lộc rừng
Từng đọt nắng hanh hao của mùa thu rót mật xuống những vạt dẻ ken dày, xanh ngắt trên các triền đồi, sườn núi báo hiệu mùa dẻ chín. Đây cũng là thời điểm đồi rừng Chí Linh náo nhiệt và sôi nổi nhất bởi tiếng nói, tiếng cười của người đi nhặt hạt dẻ. Người ta nói rằng núi rừng bạt ngàn, gai góc phù hợp với sức vóc của đàn ông nhưng hễ tới mùa nhặt dẻ thì sự gai góc ấy lại bị khuất phục dưới bàn tay cần mẫn của các chị, các mẹ nơi đây.
Khu đập Hố Đình ở xã Hoàng Hoa Thám từ lâu được biết đến là vùng dẻ thuần loài nguyên sinh đẹp nhất, lớn nhất vùng đất Chí Linh. Những gốc dẻ xù xì, hằn rõ vết tích của thời gian, có cây thân đã mục rỗng song cành vẫn vươn cao đón nắng. Khu rừng rộng, chỉ có cây dẻ xòe tán sum suê, lá xanh mướt mắt choáng ngợp tầm nhìn. Từ cuối tháng 8 âm lịch, mỗi ngày có hàng trăm người tới đây gom thứ quả được ví như lộc của rừng. Hòa vào dòng người đi nhặt hạt dẻ, chị Ninh Thị Minh ở khu dân cư Phục Thiện, phường Hoàng Tiến tất tả mang theo rổ, túi đựng men qua những lối mòn vào sâu trong rừng. Vừa tỉ mẩn tách quả dẻ đầy gai nhọn để lấy hạt, chị Minh nói: "Tôi là dân nghiệp dư, nếu không cẩn thận gai dẻ sẽ đâm vào tay chứ mấy chị em đằng kia thành thạo rồi, chẳng cần nhìn cũng dễ dàng tách vỏ quả dẻ để lấy hạt".
Nhà chị Minh cách khu Hố Đình gần 20 km, nhưng cứ tới mùa dẻ rụng chị lại tranh thủ về đây nhặt dẻ. Nhiều người tận dụng thời gian nông nhàn, lên núi nhặt dẻ để kiếm thêm thu nhập, còn với chị Minh nó là một thú vui. Với chị Minh, vào rừng dẻ, tận hưởng không khí trong lành, thi thoảng cắn chắt thưởng thức vị ngọt ngái của hạt dẻ sống thì mọi lo toan, bộn bề của cuộc sống dường như tan biến. "Các chị em đùa rằng nhặt dẻ không khó khăn song vẫn cần kỹ năng. Vì thế, vào rừng cùng lúc, nhặt đến cùng giờ mà vẫn có người ít, người nhiều. Dẫu vậy, điều quan trọng nhất khi tới đây vẫn là tiếng cười giòn tan, sảng khoái của những người không quen biết với nhau", chị Minh chia sẻ.
Khác với chị Minh, bà Nguyễn Thị Yến ở khu dân cư Tân An, phường Bến Tắm lại coi đây là công việc mưu sinh. Từ sáng sớm, bà Yến đã gói ghém cẩn thận đồ ăn, thức uống chuẩn bị cho cả ngày dài ở trên rừng. Rừng Công Binh ở xã Hoàng Hoa Thám nhiều đoạn dốc đứng, đi lại vất vả nhưng mọi ngóc ngách đã in hằn dấu chân của bà Yến. Năm nay đã ngoài 50 tuổi nên bước chân của bà có phần nhọc nhằn hơn. Tuy vậy, bà vẫn kiên nhẫn, chắt chiu từng hạt dẻ rơi vung vãi dưới gốc cây. Chỉ một loáng chiếc túi bà mang theo đã đầy ắp những hạt dẻ căng bóng. Ngày trước trẻ, khỏe, cây dẻ thấp, bà Yến còn trèo lên cây để rung quả rụng. Giờ có tuổi, cây đã cao, bà chỉ đứng dưới gốc, dùng cành cây dài đập vào tán. Làm vậy để khỏi phải đi lại nhiều chứ quả dẻ già dễ rụng, chỉ cần có cơn gió thoảng qua cũng đã rơi lộp bộp. Bà Yến phấn khởi nói: "Năm nay dẻ được mùa, khu vực này tôi mới nhặt cách đây 2 hôm mà nay quay lại vẫn còn nhiều. Mất công lên rừng nên tôi nhặt cả ngày cũng được tầm hơn chục cân. Người nào nhanh, tinh mắt cũng phải tới 2 chục cân. Người ta đang mua hạt dẻ với giá 20.000 đồng/kg, nếu chăm chỉ ngày cũng được vài trăm".
Mùa dẻ chín kéo dài hơn 1 tháng cũng là từng đấy thời gian con người gắn bó với núi rừng. Rừng dẻ Chí Linh rộng hơn 1.200 ha, có nhà nhận khoán cả chục ha, ngày thường chỉ vài người lẻ bóng trông nom nhưng khi tới mùa hạt dẻ rụng thì lại đông vui, tấp nập. Chủ được giao không giữ mà thoải mái để người dân tới rừng nhặt hạt. Có lẽ vì thế mà ý thức bảo vệ rừng của mọi người được nâng lên. Nhặt hạt dẻ, người dân cũng không quên gom cành, lá khô để đề phòng cháy rừng.
Hạt dẻ là đặc ân của núi rừng, thành quả cho những nỗ lực khôi phục rừng dẻ của người dân vùng núi đồi Chí Linh
Trăn trở
Ít ai biết rằng trước khi nâng niu, coi rừng dẻ là cả tấm chân tình như hiện nay thì đã từng có thời, người dân vùng đồi núi Chí Linh tàn phá cây dẻ. Nhà nào cũng ra sức chặt dẻ lấy củi bán hay chuyển sang trồng vải nuôi hy vọng đổi đời, thế nhưng mọi thứ vẫn luẩn quẩn, bế tắc. Đến khi nhận ra sai lầm thì chỉ còn lại đất rừng trơ trọi. Như để chuộc lại lỗi lầm, từ những năm 2002-2007, người dân dồn hết công sức, tâm huyết vực lại rừng dẻ sắp suy kiệt. Từ những gốc dẻ cằn cỗi còn sót lại, sự sống đã nảy mầm và tái sinh mạnh mẽ, giờ đây đã mỡ màng, phủ kín đất rừng.
Trước đây, người dân xã Bắc An thờ ơ với cây dẻ bao nhiêu thì hiện tại lại coi trọng và gìn giữ bấy nhiêu. Nhất là vào mùa dẻ chín, từng đợt quả rụng theo gió làm xao động nỗi lòng của những người đã dày công vun xới cho từng gốc dẻ. Ông Vũ Văn Thêm ở thôn Bãi Thảo 2 là người chứng kiến những thăng trầm của cây dẻ. Bản thân ông cũng phải trải qua nhiều biến cố mới nhận ra được giá trị từ rừng dẻ. Ông kể, ngày ấy đói kém nên ai cũng bồng bột, chỉ nghĩ lợi trước mắt mà phá bỏ cây dẻ. Ông cũng hùa theo mọi người để đốn hạ hơn 2 ha dẻ được giao khoán. Và sau đó cũng chính ông ngày đêm chăm bẵm để vực dậy diện tích dẻ này nên giờ ông coi rừng dẻ như sinh mệnh. Những năm trước, tới mùa dẻ, vợ chồng ông cần mẫn lên rừng nhặt hạt dẻ, tuy mỏi lưng nhưng vui vẻ. Giờ mắt đã mờ, không nhìn rõ hạt dẻ lẫn trong lá thì ông vẫn chăm chỉ lên rừng quét dọn lá rụng, cành khô để hàng xóm xung quanh nhặt hạt dẻ dễ dàng hơn. "Nhiều khi nghĩ lại chuyện đã qua, tôi thấy ăn năn vì có lỗi với núi rừng, với cây dẻ. Thế nhưng ngẫm lại, suy tư thấu đáo hơn, nếu không có sự việc đó thì chưa chắc người dân đã sâu nặng với rừng dẻ như vậy", ông Thêm trải lòng.
Những người gắn bó với cây dẻ như ông Thêm luôn thích thú khoe đặc trưng riêng có của loại cây này cho người khác. Vơ vội nắm hạt dẻ để ngắm nghía, ông Thêm gọi đây là đặc sản độc đáo nhất của núi rừng bởi mùa quả với mùa hoa gối nhau chứ không ngắt quãng như các cây khác. Khi người dân vẫn mải mê nhặt lứa hạt dẻ cuối cùng trong tiết trời đầu đông thì trên cây đã nở hoa trắng xóa. Trải qua mưa xuân, nắng hạ rồi gió thu, quả dẻ mới đẫy đà, chín rụng hạt dưới gốc. Cũng có lẽ do nếm trải đủ mọi nắng gió nên hạt dẻ mới có vị ngậy bùi. Vì vậy mà không chỉ người dân địa phương, người từ nơi khác cũng cất công tới rừng dẻ Chí Linh vừa để cảm nhận hương vị vừa thưởng thức tinh hoa của núi rừng.
Nhờ cây dẻ mà nhiều người dân ở vùng rừng Chí Linh có kế sinh nhai. Nuôi gà dưới tán dẻ cũng thuận lợi và hiệu quả hơn. Thương hiệu gà đồi Chí Linh nức tiếng xa gần cũng được gây dựng dưới bóng dẻ. Những hộ nuôi ong lấy mật cũng phấn khởi vì hoa dẻ thu hút ong và cho mật đậm đà hơn. Dù giá trị kinh tế không cao bằng nhưng việc nhặt hạt dẻ lại mang nhiều ý nghĩa. Từ việc lên rừng nhặt hạt dẻ mà cả người già, trẻ nhỏ cũng gắn bó, dành tình cảm cho cây dẻ nhiều hơn. Không chỉ nhặt hạt dẻ lấy vui, kiếm thêm thu nhập mà công việc này còn có thể bồi đắp thêm tình yêu với núi đồi, cây rừng. Có vậy, bảo vệ rừng sẽ không còn là gánh nặng hay trách nhiệm mà ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.
Phải lâu lắm rồi, rừng dẻ Chí Linh mới lại được mùa như năm nay khiến những người đi nhặt hạt dẻ rất phấn khởi. Họ gọi đó là đặc ân khi mà rừng dẻ đã đáp lại tấm chân tình của con người sau thời gian dài nỗ lực hồi sinh. Thế nhưng, trong cách nói chuyện của những người nhận khoán rừng thì vẫn còn canh cánh những nỗi lo. Liệu mai sau, trước những toan tính phát triển kinh tế có làm mất đi vạt dẻ đã khép tán, phủ xanh đất rừng?